NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO THANH THIÊU NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là một bộ phận không thể tách rời của quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật. Thanh niên là lực lượng xã hội có vị trí, vai trò to lớn, là rường cột, là người chủ tương lai của đất nước; là nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”. Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục bồi dưỡng toàn diện cho thế hệ trẻ, động viên, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của thanh thiếu niên, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, muốn pháp luật đi vào đời sống xã hội, ngoài yêu cầu đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất, khả thi và phù hợp của quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các thành viên trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ rất cần thiết.
1. Thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên của các cấp bộ Đoàn trong giai đoạn hiện nay
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên được xác định là một chỉ tiêu trong tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm, trong đó xác lập một số nội dung quan trọng yêu cầu thực hiện trong toàn hệ thống, Trung ương Đoàn đã chú trọng việc xây dựng và ban hành các văn bản theo thẩm quyền nhằm cụ thể hóa, tăng cường và bảo đảm việc tiếp cận thông tin, chính sách pháp luật cho từng đối tượng thanh niên. Các cấp bộ đoàn đẩy mạnh công tác tổ chức giáo dục pháp luật thông qua hoạt động truyền thông như mít tinh, ra quân, diễu hành cổ động, hội trại thanh thiếu niên, phát hành tờ gấp, sách hỏi đáp, phát tài liệu tuyên truyền, tổ chức lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong ĐVTN thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, phong trào xây dựng tủ sách pháp luật, qua đó thu hút sự chú ý của đông đảo thanh thiếu niên và nhân dân. Tổ chức giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi viết, thi vẽ, thi dưới hình thức sân khấu hóa tìm hiểu về luật phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, Luật giao thông đường bộ, Luật hình sự, luật Phòng cháy chữa cháy, Luật bầu cử đại biểu quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, tuyên truyền về An toàn giao thông…đã được tổ chức thường xuyên, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng các cụm Pano, tuyên truyền với nội dung về Ngày pháp luật như: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”; “Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là nghĩa vụ của mọi cá nhân, tổ chức”; ATGT, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV, tội phạm tại các tụ điểm công cộng đã có tác dụng giáo dục cao với thanh thiếu niên. Trung ương Đoàn duy trì trang cộng đồng “Tuổi trẻ với pháp luật” trên mạng xã hội Facebook, cung cấp thường xuyên, kịp thời các thông tin về pháp luật, những lưu ý đối với thanh thiếu niên trong chấp hành pháp luật và lên án các hành vi vi phạm pháp luật, trang hiện nay có gần 10.000 người thường xuyên theo dõi, tương tác. Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Trung ương Đoàn đã ban hành công văn chỉ đạo tuyên truyền, hưởng ứng, tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”. Đăng tải banner cuộc thi, bài viết, link tham gia cuộc thi trên các báo của Đoàn, cổng thông tin, trang cộng đồng và ứng dụng di động Thanh niên Việt Nam. Đã có 801.678 lượt dự thi của 643.688 người tham gia thi. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã tổ chức cuộc thi trực tuyến “Lá phiếu trách nhiệm”, “Tuổi trẻ với bầu cử”, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia.
Các cấp bộ đoàn đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên. Việc kết hợp giữa phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật với hướng dẫn, áp dụng pháp luật được thực hiện khá đồng bộ, chặt chẽ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, dễ nhớ, dễ vận dụng trong cuộc sống. Đã có 39 tỉnh, thành phố trên cả nước có theo thống kê đạt và vượt mục tiêu 80% thanh thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú đươc tuyên truyền. 41 tỉnh, thành phố trên cả nước có thống kê đạt mục tiêu 100% thanh thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp với lứa tuổi của các em. 44 địa phương có thống kế đạt muc tiêu 80% thanh thiếu niên vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. 29 tỉnh, thành phố có thống kê giảm từ 10% trở lên số người vi phạm pháp luật là thanh thiếu niên, số vụ vi phạm pháp luật có thanh thiếu niên tham gia, trong đó có nhiều địa phương giảm được tỷ lệ cao: Thái Bình (100%), Yên Bái (90%), Đắk Nông (72%), Nam Định (70%), Bắc Kạn (60%). 82% thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật trong diện quản lý được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tái vị phạm pháp luật và tạo điều kiện hòa nhập tốt với cộng đồng; 70% thanh niên đi lap động ở nước ngoài được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.
Mục tiêu nâng cao năng lực của người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, cán bộ Đoàn thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện tốt; nhiều địa phương vượt hoặc đạt tỷ lệ 70% được bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật mới và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, có 44 tỉnh, thành phố trên cả nước có thống kê đạt tỷ lệ này, có nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100%: Bắc Kạn, Cà Mau, Cao Bằng, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Trà Vinh.
Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên, các đội thanh niên xung kích an ninh, thanh niên cờ đỏ các địa phương đã phối hợp và hỗ trợ tích cực với lực lượng công an trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuần tra, phát hiện và tham gia giải quyết nhiều vụ việc vi phạm pháp luật ở địa bàn dân cư; tổ chức cho thanh niên tham gia các chiến dịch, các đợt cao điểm phòng chống ma tuý, mại dâm, đua xe trái phép… Phối hợp phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giúp đỡ người hoàn lương ở cộng đồng bằng các hoạt động như: tham gia dự phiên tòa lưu động; phát động phong trào “Tìm địa chỉ đen”; đặt “Hòm thư tố giác tội phạm”; “Hòm thư cứu bạn”; “Hòm thư xanh”; “Điện thoại đường dây nóng”, qua đó thanh niên đã cung cấp nhiều tin có giá trị giúp cho lực lượng công an; tham gia quản lý, giáo dục hàng vạn đối tượng tại cộng đồng. Các cấp Đoàn, Hội, Đội tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên học sinh, sinh viên ký giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động “3 không với ma túy” (không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; dung túng, bao che cho tội phạm ma túy). Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 03 về phối hợp phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên tại các địa phương tiếp tục duy trì, cảm hóa, giáo dục thanh niên do Đội thanh niên Thắp sáng niềm tin hằng năm và tiếp tục đăng ký giúp đỡ những đối tượng mới. Đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” tiếp tục được thành lập mới ở nhiều địa phương và hoạt động hiệu quả, với nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như: Giới thiệu tư vấn nghề nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội tình nguyện tại địa phương, vay vốn sản xuất kinh doanh.
Hoạt động tham gia tuyên truyền và trực tiếp giữ gìn trật tự an toàn giao thông đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều tỉnh, thành Đoàn và được tập trung cao điểm vào các dịp tết, ngày kỷ niệm góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ở địa phương. Hình ảnh màu áo xanh của thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông trên đường phố đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và có tính giáo dục cao đối với thanh thiếu niên khi tham gia giao thông.
Có thể thấy, cách thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi bằng cách tổ chức cuộc thi tiếp tục mang lại hiệu quả trong thanh thiếu nhi. Các cấp bộ đoàn đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức thi, bên cạnh hình thức thi truyền thống như: thi viết, thi sân khấu hóa…hình thức thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật được tổ chức thường xuyên hơn, thuận tiện trong cách thức tham gia, kiến thức được lựa chọn phù hợp theo đối tượng, từ đó thu hút được nhiều hơn thanh thiếu nhi tham gia.
Các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mặc dù nhiều hình thức, cách làm hay nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả, các hòm thư, đội hình tuyên truyền…không được duy trì thường xuyên; các đội hình thành lập nhưng chưa có nhiều hoạt động thiết thực.
2. Đánh giá chúng
2.1. Ưu điểm
Nhìn tổng thể, nhận thức của các cấp bộ đoàn, cán bộ đoàn về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi được nâng lên. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện kiên trì, nhiều nội dung được đổi mới phù hợp hơn với thanh niên, đem lại hiệu quả cao. Các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều văn bản cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Các nội dung đã có nhiều đổi mới, cách tiếp cận gần hơn với đoàn viên, thanh niên, xác định nội dung trọng tâm để triển khai gắn với từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể để tập trung chỉ đạo triển khai.
Nội dung và phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục được các cấp bộ đoàn đổi mới liên tục với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, phù hợp với thị hiếu và xu thế của giới trẻ, gắn việc đáp ứng nhu cầu của giới trẻ với công tác giáo dục pháp luật bằng nhiều phương thức khác nhau, vừa tạo sân chơi bổ ích, vừa giúp đoàn viên, thanh niên trau dồi kiến thức pháp luật; nhiều cách làm mới, mô hình hay đã được triển khai rộng khắp, tính thiết thực cao. Giáo dục pháp luật thông qua phong trào hành động cách mạng vẫn là phương thức trung tâm, đạt hiệu quả cao. Các phong trào hành động cách mạng của đoàn đã có sự phát triển về chiều “sâu” và chiều “rộng”, tạo được động lực và thu hút sự tham gia của đoàn viên, thanh niên. Nội dung thiết kế các phong trào được đổi mới, chia thành từng tuyến nội dụng, khối đối tượng khác nhau. Để từ đó, mỗi đoàn viên, thanh niên có thể chủ động lựa chọn thời gian, nội dung hoạt động phù hợp để tham gia đóng góp, rèn luyện bản thân qua hoạt động phong trào.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nắm bắt, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu niên đã được các cấp bộ đoàn tích cực triển khai, các kênh thông tin trên mạng xã hội của tổ chức Đoàn đã có sự lan tỏa và thu hút sự theo dõi của đoàn viên, thanh niên; các kênh thông tin từng bước vận hành chỉnh chu, có sự đầu tư cho việc đăng tải thông tin. Các cấp bộ đoàn đã tạo lập nhiều kênh thông tin trên mạng xã hội để trao đổi thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, chia sẻ các câu chuyện hay, việc làm ý nghĩa để cùng đăng tải thông tin. Nhiều nhóm theo các khối đối tượng được thành lập, duy trì để tạo sân chơi cho đoàn viên, thanh niên học tập, trao đổi, chia sẻ kiến thức. Các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các kênh thông tin và mạng xã hội có nhiều đổi mới, hình thức phong phú, đa dạng, đẹp mắt và hiện đại, cơ bản đáp ứng được xu hướng của giới trẻ. Nội dung và phương thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới liên tục với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội của Đoàn được kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị báo chí của Trung ương Đoàn được thực hiện sớm, cơ chế định hướng hoạt động của báo chí, xuất bản được thực hiện thường xuyên đã góp phần tăng thêm sức mạnh cho các cơ quan truyền thông, góp phần thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và nâng cao tính hiệu quả trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi.
2.2. Tồn tại, hạn chế
– Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi tại một số nơi còn hình thức, chậm đổi mới phương thức, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, đặc điểm phát triển và sự biến động của tình hình thanh thiếu nhi, nhất là trong khối đối tượng thanh niên công nhân, thanh niên tín đồ tôn giáo. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được triển khai đồng đều, đặc biệt tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa; hoạt động giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
– Việc phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp chưa thực sự hiệu quả. Các hoạt động tập huấn, cung cấp thông tin, nâng cao trình độ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên.
– Tại một số trường học vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực học đường chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không kịp thời định hướng cho học sinh, dẫn đến tình trạng, một số vụ việc bị đăng tải thông tin lên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực về môi trường học đường. Vẫn còn tình trạng thanh thiếu niên nghiện ma túy, mắc các tệ nạn xã hội; tình trạng vi phạm các thuần phong mỹ tục và trào lưu sính ngoại vẫn còn tồn tại.
2.3. Nguyên nhân hạn chế
* Nguyên nhân chủ quan
– Nhận thức của một số cấp bộ đoàn và cán bộ đoàn về việc đổi mới nội dung, phương thức giáo dục pháp luật của Đoàn, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên hiện nay còn chưa đầy đủ nên thiếu quyết tâm, thiếu sáng tạo, thiếu đầu tư cho những mô hình mới, phù hợp với thanh thiếu niên và điều kiện của địa phương, cơ sở. Một bộ phận cán bộ đoàn, hội, đội còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi.
– Điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế, nguồn lực cho việc thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội còn hạn chế, cộng với sự thiếu đồng bộ trong việc kết hợp giữa tổ chức Đoàn, gia đình, nhà trường, xã hội.
– Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều cơ sở đoàn chưa thường xuyên, chưa sâu sát. Nhiều chi đoàn chưa phổ biến các nội dung chỉ đạo đến đoàn viên, chưa tạo nề nếp trong thực hiện, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục của Đoàn.
– Chưa có giải pháp hiệu quả đánh giá mức độ tác động của các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của Đoàn đối với thanh thiếu niên.
* Nguyên nhân khách quan
– Công tác chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của một số cấp chính quyền địa phương chưa kịp thời, chưa quyết liệt. Công tác kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm đúng mức, bởi vậy một số tồn tại, hạn chế ở cơ sở trong quá trình thực hiện chậm được phát hiện và khắc phục.
– Sự phát triển của Internet, mạng xã hội bên cạnh những yếu tố tích cực, cũng tồn tại những vấn đề đáng quan tâm, đã tác động mạnh, trực tiếp đến tâm lý và phát triển nhân cách của thanh thiếu nhi.
– Những xu hướng mới trong giới trẻ hiện nay đa dạng, ngoài những xu hướng tích cực còn tiềm ẩn nhiều xu hướng tiêu cực, làm nảy sinh, gia tăng những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh thiến niên. Tình trạng thanh thiếu niên nghiện ma túy, vi phạm luật giao thông vẫn còn diễn ra; trào lưu sính ngoại của một bộ phận thanh niên và vi phạm các thuần phong mỹ tục vẫn còn tồn tại.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiêu nhi Việt Nam.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, các cấp bộ đoàn trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể gồm:
Một là, phải chuyển hướng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật từ một chiều thành đa chiều, có sự tương tác thường xuyên giữa tổ chức Đoàn với đoàn viên, thanh niên. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt thông tin từ Đoàn đến thanh niên, mà cần chú trọng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, phản hồi của thanh niên; từ đó điều chỉnh phương thức tiếp cận phù hợp với nhu cầu của các bạn.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tinh thần đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước của cán bộ đoàn, đoàn viên. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, cuộc vận động, ngày hội: “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Thanh niên sống đẹp”, ngày hội đọc sách trong thanh thiếu nhi.
Ba là, đổi mới phương thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của Đoàn. Xây dựng sản phẩm truyền thông hiện đại (clip, phim, infographic; motiographic, video đồ họa dạng 2D, 3D, 4D…) phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi. Tổ chức triển lãm trực tuyến, triển lãm lưu động với các chủ đề giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi.
Bốn là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, cộng tác viên phụ trách công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn, Hội, Đội. Phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn.
Năm là, tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm thiết chế tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động, trung tâm văn hóa, thể thao thanh thiếu niên, bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa của Đoàn để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh thiếu nhi; đầu tư xây dựng và chuyển giao mô hình giáo dục kỹ năng mới.
Sáu là, tập hợp, phát huy vai trò của người nổi tiếng, nghệ sĩ trẻ, người có uy tín trong xã hội, các đoàn viên, thanh niên thường xuyên sử dụng các kênh thông tin trên không gian mạng có sức ảnh hưởng lớn để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và tập hợp thanh thiếu nhi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.