Dìu nhau qua nghịch cảnh
Gọi là trụ sở cho “oai” chứ đó là một căn phòng thuộc khu vực nhà văn hóa cũ của thị xã. Đây là chỗ hội họp của hơn 20 thành viên câu lạc bộ, nơi họ bàn về kế sinh nhai, về nghĩa tình trong cơn hoạn nạn, về những vui buồn hằng ngày.
“Hồi trước mấy ổng bả nhút nhát lắm”
Trên những gương mặt, nét lo âu năm hết Tết đến tạm gác lại, nhường chỗ cho niềm vui gặp mặt. Khi đã ngồi ngay ngắn trên mấy chiếc ghế nhựa, các thành viên bắt đầu rôm rả đủ thứ chuyện.
Xin vắng một buổi làm, bà Nguyễn Thị Hương (53 tuổi, chủ nhiệm câu lạc bộ) cười tươi cho biết thứ tư hằng tuần là ngày gặp mặt của cả nhóm.
“Vừa rồi kỷ niệm 5 năm thành lập, chúng tôi tổ chức tiệc mừng nho nhỏ. Tôi cũng vận động được 12 phần quà, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng, cho 12 thành viên trong nhóm, ai cũng vui”, bà nói. Rồi bà khoe nhóm còn có chiếc loa “kẹo kéo”, lâu lâu rảnh rỗi mọi người rủ nhau hát vài bài đỡ buồn.
Nhắc đến duyên cớ thành lập câu lạc bộ, bà Hương cho biết bản thân luôn mong muốn có một sân chơi, một địa chỉ kết nối người khuyết tật. “Sáu năm trước, tôi tham gia khóa tập huấn của Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC). Khóa học giúp tôi có thêm góc nhìn về việc tuyên truyền, vận động người khuyết tật để họ có cuộc sống tốt hơn…”, bà nói.
Sau khóa tập huấn, bà Hương cảm thấy mình cần biến những gì đang ấp ủ thành hiện thực. Vậy là giữa tháng 9-2017, câu lạc bộ ra đời và trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã.
Bà bộc bạch: “Hoạt động câu lạc bộ chủ yếu hỗ trợ các thành viên về tinh thần và góp phần chăm lo đời sống vật chất. Chúng tôi cũng giúp nhau khi đau yếu, gặp khó khăn về kinh tế dù hơn nửa số thành viên có điều kiện kinh tế khá vững…”. Bà cũng vận động mọi người tham gia đội văn nghệ của thị xã.
Giọng sang sảng, bà Hương nói vui rằng các thành viên “hồi trước nhút nhát lắm”. Sau một thời gian tham gia câu lạc bộ, ai cũng cởi mở và yêu đời hơn, như trường hợp anh Hoàng Sơn (46 tuổi, ngụ phường Phước Bình).
Bệnh tật khiến giọng nói ngắt quãng, chân yếu không thể đi lại bình thường, anh cho biết mình tham gia câu lạc bộ được hơn 3 năm. Không còn khả năng làm việc nặng, anh ở nhà trông coi nhà cửa cho vợ đi bán cá ngoài chợ. “Từ hồi vô câu lạc bộ tôi thấy vui hơn, được đi giao lưu và gặp gỡ mọi người…”, anh chậm rãi nói hết câu. Tương tự, những thành viên khác cũng có nhận xét như anh Sơn.
Góp tiền tạo quỹ vay vốn
Thành viên câu lạc bộ mỗi người mỗi nghề, mỗi hoàn cảnh nhưng giữa họ không có khoảng cách. Để có nguồn quỹ giúp các thành viên khác, mỗi người sẽ đóng 50.000 đồng/tháng, giao cho chị Sương thủ quỹ giữ. Số tiền thường được dùng cho những công việc chung như thăm hỏi người ốm đau, cho thành viên khó khăn vay vốn làm ăn…
Người đang chờ “giải ngân” 5 triệu đồng từ quỹ câu lạc bộ là bà Lê Thị Nhi (50 tuổi, ở phường Long Phước). Dáng vóc nhỏ nhắn và không nói được do tai nạn hồi nhỏ, hiện tại bà đi giúp việc nhà. Được sự động viên của mọi người trong nhóm, bà mạnh dạn vay tiền quỹ.
“Tôi có ba đứa con. Tôi dự định mở quán cà phê nhỏ”, bà gò chữ ra cuốn sổ nhỏ khi được hỏi mục đích vay vốn.
Bà Hương cho biết số tiền vay không lớn, ai vay thì trả góp mỗi tháng 500.000 đồng hoặc trả hết trong vòng một năm, không tính lãi.
Các thành viên còn nhớ câu chuyện anh Nghĩa bị tai biến hồi năm ngoái. Bị tật ở chân và mắc bệnh hen suyễn, lần đó anh suýt không qua khỏi, phải chuyển xuống bệnh viện ở TP.HCM điều trị. Nghe tin, các thành viên họp lại, người góp 100.000 đồng, người 500.000 đồng… tổng cộng gần 3 triệu đồng giúp anh trang trải phần nào.
Bước qua nghịch cảnh
Nếu cả câu lạc bộ là những người khiếm khuyết về thân thể nhưng tràn đầy tình thương thì từng thành viên là một tấm gương về nghị lực vượt khó.
Người gia nhập câu lạc bộ khá sớm là chị Bùi Thị Kim Loan (48 tuổi). Năm 13 tuổi, cơn sốt bại liệt khiến đôi chân chị không đi lại được nữa.
“Mồ côi mẹ từ khi mới sinh, hồi nhỏ đi học về là tôi đi làm khuy, móc lai áo thuê. Ngày nào cũng 3h sáng dậy và nửa đêm mới đi ngủ”, chị nhớ lại. Thời điểm đó, chị nặng chưa tới 30kg. Rồi chị xuống TP.HCM học nghề may và nhận bằng xuất sắc. Dành dụm bao nhiêu năm trời, vừa rồi chị xây được căn nhà khang trang.
Nghe chị nói định mua chiếc máy may để nhận sửa quần áo, bà Hương ủng hộ: “Em cứ làm đi, chị thấy được. Nhu cầu sửa quần áo nhiều lắm, tiền công tính ra cũng ổn…”.
Ngồi kế bên, chị Văn Châu Thảo (40 tuổi) được mọi người gọi đùa là “nữ hoàng hột điều rang muối”. Chị Thảo có nghề rang điều muối, hột điều chính hiệu Bình Phước và đắt hàng mỗi dịp Tết đến.
Chị tâm sự trước khi chưa vô câu lạc bộ, chị sống khá lặng lẽ với đôi chân teo tóp của mình. “Trước đó tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ thi hát, nhưng chị Hương động viên cứ tham gia”, chị nói. Vừa rồi, chị và bà Hương cùng nhau ra Hà Nội dự lễ tôn vinh người có đóng góp cho đời sống người khuyết tật.
Với sự cố gắng gấp nhiều lần người bình thường và vượt thoát mặc cảm, những thành viên câu lạc bộ đã làm được nhiều điều ý nghĩa cho chính họ và cộng đồng. Hồi cuối tháng 5, chị Thảo, Nhi và Loan nhờ sự đốc thúc của bà Hương đã đăng ký hội thi văn nghệ – thể thao người khuyết tật của tỉnh.
Chị Loan nói: “Tôi không dám thi vì sợ rớt quê lắm, nhưng chị Hương nói cứ đi đi. Kết quả là chúng tôi có giải ở mục thi ném tạ, xe lăn…”. Bà Nhi còn vui vẻ khoe ảnh mình nhận giải nhì và đứng trên bục – điều mà trước đây bà chưa hề nghĩ tới…
Bản thân bà Hương cũng là người giàu nghị lực, vượt qua nỗi buồn bị sốt bại liệt hồi 4 tuổi. Theo mẹ từ Quảng Ngãi vào Bình Phước, bà kể rằng mình đã đòi về quê sống do ở Bình Phước đi bộ đi học đường nhiều đá sỏi khiến đôi chân tật nguyền đau nhói.
“Mẹ đưa tôi xuống nhà chú ở Đồng Nai. Nhiều người nói bị như vậy học nhiều cũng có làm gì đâu, nhưng tôi cố học để sau này có công việc tốt”, bà nói. Xong cấp III, bà về lại Bình Phước học nghề đánh máy chữ và làm ở Mặt trận Tổ quốc của thị xã đến nay. Bà còn có nghề nấu tiệc.
Trời dần về chiều, các thành viên chuẩn bị tạm biệt nhau, người đi đón con, người tiếp tục công việc của mình. Có hội này, ai cũng vui. Đúng là đời đẹp hơn khi ta biết giúp đỡ nhau, dù trong hình hài nào đi nữa.