Nhằm phát huy hiệu quả của các ngôi nhà trí tuệ, gắn với việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã nghiên cứ và xây dựng mô hình “Tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các ngôi nhà trí tuệ”.
Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, công tác TTPBGD phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền với sự nỗ lực, phối hợp thực hiện đồng bộ thống nhất của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong năm qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp bộ Đoàn đã quan tâm thường xuyên, chú trọng đổi mới phương thức tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đa dạng, được chọn lọc thông qua việc nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của các địa phương, trong đó tập trung tuyên tuyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sự, hình sự, kinh tế, kinh doanh, đất đai, bảo hiểm. Từ đó, nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân được nâng lên. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới; cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chất lượng hoạt động ngày càng hiệu quả. Những kết quả này góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư.
Mô hình “Tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các ngôi nhà trí tuệ” là mô hình đầy ý nghĩa nhằm xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa tiêu biểu nhất của cộng đồng dân cư; phát huy tối đa công năng sử dụng của các nhà văn hóa tổ dân phố, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Tĩnh có 28 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại các nhà văn hóa cộng đồng tránh bão lũ và nhà văn hóa thôn đi vào hoạt động.
Đa số các nhà văn hóa nơi được lựa chọn thí điểm ra mắt mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đều đã được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, nhất là đối tượng thanh thiếu nhi. Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất tại các nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão, lũ đều có thư viện sách, máy tính, máy chiếu kết nối Internet, thực sự trở thành không gian phục vụ cho các hoạt động đa dạng của người dân và thanh thiếu nhi. Nhằm phát huy hiệu quả của các ngôi nhà trí tuệ, gắn với việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã nghiên cứ và xây dựng mô hình “Tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các ngôi nhà trí tuệ”. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp xây dựng mã QR tra cứu Luật, thường xuyên cập nhật các thông tin Luật mới, mở rộng ra là các bài báo, thông tin trong tỉnh. Các mã QR tủ sách điện tử, tủ sách pháp luật sẽ được dán tại nơi dễ thấy trong Ngôi nhà trí tuệ để không chỉ thanh thiếu nhi, mà người dân, cán bộ hay tất cả mọi người đều có thể tra cứu thông tin Luật định mà mình cần. Ngoài ra, Các cấp bộ Đoàn còn tiếp tục triển khai xây dựng và nâng cao chất lượng các Tủ sách pháp luật, phân loại từng danh mục sách và thường xuyên bổ sung các loại sách mới. Định kỳ chiều thứ 7 hàng tuần, tại các ngôi nhà trí tuệ, các cấp bộ Đoàn sẽ tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật gắn với nâng cao văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi. Người tham gia tuyên truyền là các cán bộ, đoàn viên, người hiểu biết pháp luật thuộc các cơ quan có thẩm quyền, sẽ lên kế hoạch, nội dung chương trình tuyên truyền và tài liệu cần thiết; chuẩn bị bàn ghế, bục phát biểu, trang phục đúng với từng nhóm đối tượng; Tuyên truyền về nội dung luật bằng slide, thuyết trình, kể chuyện, chiếu video clip,…đồng thời tổ chức trao đổi, thảo luận, chơi các minigame để giúp các em nắm rõ hơn các thông tin pháp luật được truyền tải để không vi phạm. Các bộ luật được tuyên truyền sẽ tập trung vào các nội dung có liên quan trực tiếp đến thanh thiếu nhi như Luật An toàn giao thông, Luật trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Hình sự, Luật An ninh mạng… Hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục kết hợp dựa trên mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh và nhận được nhiều sự ủng hộ của cả người dân và chính quyền địa phương các cấp, phát huy tối đa hiệu quả các ngôi nhà trí tuệ. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên 43 “Ngôi nhà trí tuệ” do các địa phương đang triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó, BTV Thành đoàn Hà Tĩnh đã tổ chức lễ ra mắt mô hình “Tủ sách pháp luật” tuyên truyền, phồ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tại ngôi nhà trí tuệ. Đây là mô hình có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao văn hóa đọc cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, đồng thời phát huy tối đa hiệu năng của ngôi nhà trí tuệ. Sách pháp luật đóng vai trò là công cụ truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, thanh thiếu nhi, góp phần nâng cao dân trí pháp lý của mỗi người. Do đó, xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở là hoạt động cần thiết, để đoàn viên, thanh thiếu nhi có điều kiện tập hợp, tìm hiểu, tra cứu và vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tế một cách đầy đủ, có hệ thống. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sách báo, tài liệu tuyên truyền pháp luật vừa có ý nghĩa nâng cao văn hóa đọc vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trong việc tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật của Đảng và nhà nước. Thành đoàn Hà Tĩnh đã chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng tủ sách pháp luật bằng cả hai hình thức điện tử và truyền thống. Tủ sách truyền thống phù hợp với đối tượng thanh thiếu nhi còn tủ sách điện tử sẽ tạo được hứng thú cho đoàn viên thanh niên. Trong thời đại chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, chỉ với một đường link, một chiếc click chuột là đã có thể khám phá tủ sách pháp luật điện tử bất cứ lúc nào. Tủ sách pháp luật gồm các văn bản quy phạm pháp luật; sách, báo, tài liệu pháp luật. Theo thống kê, số lượt người đọc, mượn tại Tủ sách pháp luật trung bình khoảng 200 lượt/năm. Các tủ sách pháp luật thời gian đầu mới được triển khai đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân và học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin, cũng như việc dễ dàng tiếp cận thông tin qua các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ khác, số lượng người tìm đọc ở các tủ sách giảm dần. Học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên chỉ có nhu cầu tìm hiểu pháp luật khi có tranh chấp; chưa có thói quen đến các địa điểm đặt tủ sách công đoàn để nghiên cứu, tìm hiểu. Học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên dành hết thời gian để học tập, làm việc, ít thời gian nghỉ ngơi, đọc sách. Việc xây dựng, duy trì, bổ sung, cập nhật thông tin, tài liệu của tủ sách công đoàn cũng chưa thực sự được quan tâm, khai thác đúng mức, có những đầu sách quá cũ không được luân chuyển, bổ sung. Vì thế, đến nay nhiều tủ sách không được duy trì. Trong khi đó, đội ngũ học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp làm công tác kiêm nhiệm, nên chưa thực sự có thời gian cho việc xây dựng tủ sách pháp luật. Để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và xây dựng tủ sách pháp luật trong cộng đồng đạt hiệu quả, một số đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tủ sách pháp luật, sử dụng hệ thống Internet của các công ty, đơn vị, doanh nghiệp để cung cấp văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho tủ sách pháp luật, kết hợp mô hình tủ sách pháp luật truyền thống với tủ sách pháp luật điện tử. Nhiều bạn học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên cho biết: Tủ sách pháp luật mở cửa từ 8-17h hằng ngày. Cán bộ, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên muốn tìm đọc, tra cứu phải vào giờ nghỉ trưa hoặc mượn về nhà tham khảo. Vì thế, Các thư viện đã sử dụng hệ thống Internet để cung cấp văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho tủ sách pháp luật, kết hợp mô hình tủ sách pháp luật truyền thống với tủ sách pháp luật điện tử. Nhờ đó, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên tiếp cận tủ sách pháp luật thuận tiện hơn, nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật hơn. Để tủ sách pháp luật điện tử trở nên phổ thông hơn, cần chỉ đạo xây dựng Đề án xây dựng tủ sách pháp luật điện tử để học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên thuận tiện tra cứu thông tin và dễ dàng trao đổi với các chuyên gia đối với những thắc mắc của mình. Với những tủ sách pháp luật hiện có, đề nghị chính quyền địa phương bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương, đơn vị cho hoạt động của tủ sách pháp luật đến hết năm 2023; các đơn vị tổ chức lưu trữ, quản lý, bổ sung các sách, tài liệu pháp luật hiện có phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị theo quy định về quản lý tài sản công, hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Từ năm 2022, các cấp bộ đoàn cần tiếp tục duy trì tủ sách pháp luật thực hiện xã hội hóa việc quản lý, khai thác tủ sách phù hợp điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu của đa số học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên. BTV Thành đoàn đã xây dựng tủ sách pháp luật điện tử với giao diện bắt mắt, thân thiện với người dùng, mỗi văn bản luật sẽ có các video đi kèm để tạo thêm sự hấp dẫn, hứng thú cho đoàn viên thanh niên khi tìm đọc những văn bản này. Việc thành lập tủ sách pháp luật tại ngôi nhà trí tuệ vừa có ý nghĩa nâng cao văn hóa đọc cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, đồng thời phát huy tối đa hiệu năng của ngôi nhà trí tuệ. Đây không chỉ là nơi để đoàn viên, thanh thiếu nhi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật mà còn là nơi để giáo dục pháp luật, khơi dậy ý thức chấp hành luật pháp của các bạn đoàn viên, thanh thiếu nhi.
Đặc biệt, Mô hình đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch trao giải nhì trong cuộc thi “Sáng kiến mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa cơ sở” năm 2022. Đây là Cuộc thi chính thức được phát động từ ngày 14/4/2022 và kết thúc nhận bài dự thi ngày 30/9/2022. Qua hơn 5 tháng phát động Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của một số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Bộ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và sự tham gia vào cuộc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương đã động viên, thu hút, khuyến khích đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia Cuộc thi. Kết quả kết thúc thời gian diễn ra Cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được tổng số 1015 bài dự thi gồm 190 bài tập thể và 825 bài cá nhân. Các bài dự thi được gửi về từ 40 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có một số địa phương có số cá nhân, tập thể tham gia đông đảo như: tỉnh Bắc Ninh (277 bài), tỉnh Cà Mau (124 bài), lực lượng Bộ đội Biên phòng (166 bài)…Các bài dự thi có sự đa dạng về tuổi tác, có những bài đến từ các em học sinh THCS với độ tuổi khoảng 11 – 14, cũng có những bài dự thi đến từ các cụ ông, cụ bà có độ tuổi ngoài 80, như bài dự thi của cụ Trần Ngọc Uy, sinh năm 1938. Không chỉ đa dạng về vùng miền, đa dạng về thành phần tri thức, độ tuổi mà còn có sự đa dạng về dân tộc như dân tộc Tày, Hoa, Khmer, Mường,…Góp phần vào thành công của Cuộc thi phải kể đến sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng ở Trung ương và các địa phương, tạo thành đợt cao điểm truyền thông có chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng trên phạm vi cả nước. Công tác truyền thông về Cuộc thi được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong quá trình diễn ra Cuộc thi. Tổng kết Cuộc thi, ngày 02/11/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2803/QĐ-BVHTTDL về việc trao giải thưởng Cuộc thi cho 11 cá nhân và 10 tập thể đạt giải. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng đề xuất Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho 03 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hưởng ứng Cuộc thi là Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau.