“Thầy đã lần giở quyển nhật ký của liệt sĩ Lê Quốc Văn rất nhiều lần, ngoài những trang nhật ký được liệt sĩ viết trong vỏn vẹn 8 tháng đời lính, vẫn còn rất nhiều trang giấy trắng. Thầy mong rằng, từng bạn sinh viên chúng tay đây, hãy viết tiếp. Hãy cùng liệt sĩ Lê Quốc Văn viết tiếp khát vọng hòa bình, khát khao hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Hãy viết tiếp tuổi 19 yêu thương của liệt sĩ Lê Quốc Văn” – anh Nguyễn Hoàng Viện, Ủy viên Ban chấp hành Thành Ðoàn Cần Thơ, Bí thư Ðoàn Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, nhắn nhủ như vậy. Hàng trăm sinh viên xúc động, tỏ rõ quyết tâm…
Anh Nguyễn Hoàng Viện (bìa phải) tặng hoa cảm ơn nhà báo Vũ Thống Nhất, ông Lê An Ninh và bà Trần Thị Kim Loan (từ trái qua) tại chương trình.
Lời nhắn nhủ và hình ảnh các sinh viên được “tiếp lửa” ấy, chúng tôi đã chứng kiến tại Chương trình sinh hoạt giáo dục truyền thống với chủ đề “Cảm hứng anh hùng cách mạng và giá trị nhân văn trong tác phẩm “Nhật ký Bên dòng Mê Kông” của nhà thơ, liệt sĩ Lê Quốc Văn” vừa diễn ra tại Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ.
Cách đây tròn 7 năm, vào những ngày đầu tháng 1-2017, qua giới thiệu của anh Nguyễn Hoàng Viện, chúng tôi quen biết ông bà Lê An Ninh – cha mẹ của liệt sĩ Lê Quốc Văn, đang sinh sống ở Viện Lúa ĐBSCL. Ông bà đã cho phép chúng tôi tiếp cận quyển nhật ký và kỷ vật mà liệt sĩ Lê Quốc Văn để lại. Sau loạt phóng sự với nhan đề “Nhật ký Bên dòng Mê Kông” đăng trên Báo Cần Thơ, quyển nhật ký đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí khai thác.
Liệt sĩ Lê Quốc Văn sinh năm 1965 tại quê lúa Thái Bình. Cha của liệt sĩ là nhà khoa học, từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học – Công nghệ, được chuyển vào Cần Thơ công tác tại Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp ĐBSCL (nay là Viện Lúa ĐBSCL). Đầu năm 1983, chàng trai trẻ chưa tròn 18 tuổi theo cha vào định cư trên đất Tây Đô và cũng làm việc ở Viện Lúa. Chưa tròn năm, chàng trai Lê Quốc Văn nhập ngũ. Mãn khóa huấn luyện ở Sóc Trăng, người chiến sĩ trẻ cùng đồng đội được điều sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế trong vai trò chiến sĩ trinh sát, đóng quân tại Kôngpông Chnăng. Liệt sĩ Lê Quốc Văn hy sinh ngày 10-12-1984 tại chiến trường Campuchia, khi mới 19 tuổi.
Suốt khoảng 8 tháng làm nghĩa vụ quốc tế, liệt sĩ đã viết những dòng nhật ký thấm đẫm lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ, niềm yêu đời và yêu cuộc sống, cùng với những bài thơ hay. Quyển nhật ký được đề tựa “Vài dòng nhật ký” nhưng ở nhiều trang viết, liệt sĩ cẩn thận viết “Bên dòng Mê Kông” làm tiêu đề cho những dòng suy tưởng. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Thơ Tây Đô và Thi đàn Việt Nam, gia đình liệt sĩ Lê Quốc Văn đã tập hợp thơ, nhật ký của liệt sĩ và ra mắt ấn phẩm “Nhật ký Bên dòng Mê Kông”.
* * *
Trong chương trình giao lưu, 2 nhân vật chính của câu chuyện có lẽ là cụ Lê An Ninh và cụ Trần Thị Kim Loan. Ông đã tròn 90 tuổi, bà cũng đã ngoài 80 tuổi. Ông thì cứ bệnh “rề rề”, bà thì đang bệnh lại mới bị té cách đây hơn tháng, con cháu ngại ông bà đi đường xa. Bà trằn trọc cả đêm, nói với ông: “Chuyện của con (ý là của liệt sĩ Lê Quốc Văn – PV), tôi làm mẹ mà không có mặt, tôi không chịu được”. Vậy là ông bà cả đêm nghĩ đến con, nghĩ đến niềm tự hào của gia đình, quyết định đến buổi giao lưu.
Khi được hỏi kỷ niệm về con trai, bà Loan nhớ nhiều lắm, bà kể trong rưng rưng xúc động. “Văn của tôi” – lời bà Loan nói đầy trìu mến nhưng lay động người nghe. Bà kể rằng: Trước lúc Văn hy sinh không lâu, có gửi thư cho mẹ, dặn rằng khi điều kiện cho phép thì mẹ sang Campuchia thăm, nhớ mang cho con chiếc võng để con nằm. Tròn 40 năm qua, nhìn thấy chiếc võng, bà Loan lại nhớ đến con… Ngày ngày, 3 bữa cơm ông Ninh, bà Loan đều mời con về ăn. Liệt sĩ Lê Quốc Văn vẫn mãi bên cạnh, trong lòng ông bà cụ đã “tri thiên mệnh”.
Với ông Ninh, khi được hỏi về sự hy sinh của con, ông nhớ lại giây khắc khủng khiếp của 40 năm về trước, khi ông là người đầu tiên trong gia đình nhận tin báo con trai hy sinh. Ông khóc nhiều, nhưng khóc một mình, giữ bình tĩnh để làm chỗ dựa cho mẹ, vợ và các con. Trong một tờ giấy mỏng, ông Ninh viết nên bài thơ “Nhớ con trai” với nỗi niềm đau đáu. Nhưng suy nghĩ của ông lại rất đẹp: “Sống trên đời như hai chữ phù vân/ Chết như con cũng là đẹp muôn phần”.
Ông Ninh, bà Loan tự hào về con trai Lê Quốc Văn, về tuổi 19 của con đã hiến dâng cho Tổ quốc.
Tham gia trong chương trình có nhiều nhà văn, nhà thơ, đồng đội và thân nhân của liệt sĩ Lê Quốc Văn và hàng trăm sinh viên. Mọi người cùng chiêm ngắm lại những dòng nhật ký được viết bên ngoài Tổ quốc, của một người con cầm súng bảo vệ Tổ quốc từ xa.
Đọc thơ và nhật ký của liệt sĩ Lê Quốc Văn, ai cũng cảm phục trước sự trưởng thành, lý tưởng sống đẹp, sự chững chạc của chàng trai khi mới 18, 19 tuổi. Nhà báo Vũ Thống Nhất cho biết, ông đã đọc rất nhiều lần quyển sách, và ông rất ấn tượng với bài thơ “Nói với bộ xương” của liệt sĩ Lê Quốc Văn. Trên đường hành quân trong rừng, liệt sĩ nhìn thấy bộ xương người và cảm tác nên bài thơ, có đoạn rằng: “Nếu là đồng đội tôi/ Xin thắp nén nhang đỏ/ Để tỏ lòng bên nhau/ Còn nếu là địch thủ/ Cũng xin giấc ngàn năm/ Của một người đã chết”. Theo nhà báo Vũ Thống Nhất, đó là suy nghĩ rất nhân văn, rất sâu sắc, và không thể ngờ của một chàng trai chỉ mới 19 tuổi. Cũng trong bài thơ này là suy nghĩ sâu sắc về chiến tranh: “Chiến tranh là nước mắt/ Con người là chiếc khăn/ Khăn ta đã thấm ướt/ Nước mắt nhiều xót xa”.
Nhà phê bình văn học Lê Xuân khi đọc quyển “Nhật ký Bên dòng Mê Kông” đã tiếp nhận ở khía cạnh “chất lửa” và “chất tình”. Ông nói: “Đây là ngọn lửa lý tưởng luôn rực cháy trong tim Lê Quốc Văn và được hòa quyện vào những trang viết thấm đẫm chất tình tươi xanh. Lý tưởng, tình yêu, tình thương và trách nhiệm đã làm cho cuốn nhật ký trở thành tiếng kèn xung trận cho mỗi chiến sĩ trẻ nói riêng và thế hệ thanh niên nói chung”.
* * *
Trước buổi giao lưu, bộ phim về quyển nhật ký và về cuộc đời liệt sĩ Lê Quốc Văn được trình chiếu, tôi thấy nhiều sinh viên mặc áo xanh thanh niên khóc, nước mắt lăn dài. Và khi anh Nguyễn Hoàng Viện, Bí thư Đoàn Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, nhắn nhủ “hãy viết tiếp…”, các sinh viên như được “truyền lửa”, ngọn lửa tự hào.
Hãy viết tiếp, viết về một thế hệ tuổi trẻ đã sống đẹp, sống hiến dâng, mà liệt sĩ Lê Quốc Văn là điển hình. Viết về tuổi trẻ hôm nay cũng đang tiếp bước cha anh, dựng xây quê hương, đất nước. Hãy viết tiếp…
Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH
Nguồn: Báo Cần Thơ.