NGƯỜI THẦY, NGƯỜI CÁN BỘ QUẢN LÝ LUÔN TÂM HUYẾT VÀ SÂU SẮC
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tựu vĩ đại của đất nước và là vị Cha già của dân tộc Việt Nam. Suốt cuộc đời của Người đã hi sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vì độc lập tự do, vì cơm no áo ấm, vì hạnh phúc nhân dân mà Người đã dành trọn tình yêu bao la cho đồng bào, đồng chí,…
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu về đạo lí sống. Trong đó nổi bật nhất là quan niệm đạo đức sống sáng ngời “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” hay đó là “Nhân, nghĩa, dũng, trí, tín”.
Có một nhà báo nước ngoài từng viết: “Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh, nhưng ở Hồ Chí Minh, người ta có thể học được một điều gì đó để làm cho mình trở thành tốt hơn”. Thật đúng như vậy, không ai có thể trở thành Bác được, nhưng chúng ta có thể học và noi gương theo Bác để trở thành những con người tốt và có ích cho xã hội. Vì vậy, Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một di sản vô cùng quý giá, khá đầy đủ, toàn diện và sâu sắc. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức để mỗi chúng ta học tập và làm theo phong cách của Người.
Để mỗi người đều là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vì vậy Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh vận động học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để hưởng ứng phong trào đó, sau đây tôi xin kể mẫu chuyện về một người thầy giáo là cả một tấm gương sáng về người tốt, việc tốt cho tôi noi theo.
Nằm trên địa bàn ấp Công Tạo, xã Bình Phú, có một ngôi trường mang tên một Đại thi hào dân tộc, vâng đó chính là trường Trung học cơ sở Nguyễn Du. Tôi được chuyển đến trường Nguyễn Du công tác từ tháng 8 năm 2016 cho đến nay. Ở nơi làm việc mới này, tôi được tiếp xúc với rất nhiều thầy cô và họ đều là những tấm gương người tốt, việc tốt để cho tôi học hỏi. Trong số đó phải kể đến một người thầy mà tôi vô cùng cảm phục đó là thầy Lê Văn Bé Tư – Hiệu trưởng nhà trường.
Thầy Lê Văn Bé Tư được sinh ra và lớn lên tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp – một vùng quê sông nước hữu tình. Vừa tốt nghiệp THPT, Thầy đã bước chân vào giảng đường cao đẳng, cho đến năm 1998 thì Thầy tốt nghiệp sư phạm môn Toán-Tin học ở trường Cao đẳng sư phạm Đồng Tháp (nay là trường Đại học Đồng Tháp). Không về quê công tác, Thầy đã chọn đến công tác ở một huyện xa xôi, hẻo lánh và giáp ranh với nước bạn Campuchia. Nơi đây khi ấy, điều kiện về mọi mặt còn rất là khó khăn và thiếu thốn. Theo lời một bài hát của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng “…nhớ năm xưa, tàu xe vắng bóng, đường không lối vào…”, Vâng, tôi đang nói đến đó chính là huyện Tân Hồng. Thật cảm phục trước sự nhiệt huyết tuổi trẻ của Thầy. Năm 1998, Thầy được phân công về giảng dạy ở trường THPT Tân Hồng và đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đoàn ủy Giáo viên. Đến tháng 07 năm 2003 được UBND huyện bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thuộc xã Tân Công Chí. Cho đến tháng 09 năm 2010 được UBND huyện điều động bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du thuộc xã Bình Phú cho đến nay. Vậy là, từ một thanh niên chân ướt chân ráo, mới chập chững vào nghề mà trong khoảng một thời gian rất ngắn Thầy đã trở thành một cán bộ quản lí, một Hiệu trưởng nhà trường trong khi tuổi đời còn rất trẻ có phải là may mắn chăng? Xin thưa không có sự may mắn nào như vậy, mà để đạt được thành tích ấy là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực và vươn lên không ngừng nghỉ của Thầy. Cũng chính vì thế mà Thầy đã đạt được một bảng thành tích khá ngưỡng mộ: là một giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đạt 12 lần Lao động tiên tiến, 06 lần Chiến sĩ thi đua cấp huyện, 01 Bằng khen cấp tỉnh, được Bộ GDĐT tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục. Học theo tấm gương Bác Hồ là học tập suốt đời, học không ngừng nghỉ, vì thế đã là một Hiệu trưởng nhà trường mà Thầy vẫn luôn luôn là người tiên phong, đi đầu trong học tập. Thầy học tập không ngừng để nâng cao trình độ quản lí, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân,….để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao.
Khi nhà trường đứng trước những nhiệm vụ mới, thách thức mới, Thầy đã rất lo lắng, nhiều băn khoăn, trăn trở nhưng bằng ý chí sắt đá, tâm huyết với nghề và lòng yêu thương học sinh, Thầy đã đưa ra những quyết định chiến lược, những bước đi vững chắc và được sự đồng lòng của toàn thể cán bộ nhân viên, giáo viên của trường, sự tin tưởng của lãnh đạo cấp trên, trường THCS Nguyễn Du đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành trường đạt Chuẩn Quốc gia năm 2012 và là trường đầu tiên trong huyện được Sở GDĐT Đồng Tháp công nhận đạt cấp độ 2 về kiểm định chất lượng năm 2014. Tính tới thời điểm hiện tại trường đã đạt 10 lần Lao động tiên tiến cấp huyện và 04 lần Lao động xuất sắc cấp tỉnh.
Thầy Mai Văn Bé Bảy-Chủ tịch Công đoàn ngành GDĐT trao tặng giấy khen tập thể cho trường THCS Nguyễn Du nhân dịp lễ đón Bằng công nhận Chuẩn Quốc gia
Là một người quản lí trẻ có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, uy tín. Thầy luôn hoàn thành tốt các công việc của nhà trường và của cấp trên giao phó. Tôi thật may mắn khi được là đồng nghiệp của Thầy. Tôi đã học tập được nhiều từ cách làm việc chuyên nghiệp, cẩn thận và chu đáo của Thầy. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian rất nhanh sau khi về trường, Thầy đã nhận được rất nhiều tình cảm, sự ủng hộ của toàn thể giáo viên, nhân viên trong trường. Tôi nghĩ đó chính là thành công rất lớn của Thầy. Tuy đảm nhiệm vị trí là Hiệu trưởng nhà trường và đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ nặng nề khác nhưng Thầy luôn dành thời gian động viên, quan tâm, đến từng giáo viên, nhân viên. Tôi nhớ mãi vào đầu năm học này, trường của tôi được Hội đồng bộ môn Văn của huyện chọn dạy Hội giảng theo tiến trình dạy học mới và người được chọn dạy là tôi. Biết tin ấy, tôi vô cùng áp lực vì là một giáo viên trẻ còn non kinh nghiệm và chưa từng dạy cho nhiều giáo viên dự giờ như thế. Biết được sự lo lắng của tôi Thầy đã động viên, khích lệ tôi. Thật vậy, tôi nhớ mãi lời Thầy nói: “Giang! Em đừng áp lực, cứ thoải mái dạy, dạy hết khả năng của mình là được. Mình là người tiên phong dạy đổi mới thì đã giỏi rồi”. Chỉ bấy nhiêu lời đã tạo được vững tin trong tôi. Và cuối cùng buổi dạy Hội giảng của tôi cũng thành công. Sau tiết dạy, tôi nhận được những sự góp ý chân thành của các thầy cô dày dặn kinh nghiệm và cũng nhận được rất nhiều lời khen. Tôi vô cùng hạnh phúc và tôi nghiệm ra được một điều “Chúng ta đừng nói không thể mà hãy làm hết sức đi”. Hình ảnh một người Hiệu trưởng luôn nhẹ nhàng, tâm lí luôn để lại ấn tượng trong lòng cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường. Tất cả giáo viên, nhân viên đều được Thầy tôn trọng như nhau. Vì vậy, mọi vấn đề đều được Thầy giải quyết thấu tình đạt lí tạo được niềm tin vững chắc trong lòng mọi người. Điều đó cũng rất phù hợp với “Tình yêu thương con người, sống có nghĩa có tình” một trong những tư tưởng của Bác về đạo đức của con người Việt Nam.
Còn đối với học sinh, Thầy luôn là một người Thầy nghiêm khắc khi học sinh phạm sai, Thầy lại là một người anh luôn giúp đỡ chỉ dạy học sinh hết lòng như những đứa em, thậm chí Thầy còn là một người cha yêu thương, quan tâm học sinh như con của mình. Vì thế, các em học sinh luôn luôn kính trọng và yêu thương Thầy. Như chúng ta biết, đã là Hiệu trưởng nhà trường phải mang trên vai rất nhiều trọng trách nhưng Thầy cũng vẫn bỏ thời gian vài tiết trên tuần để dạy lớp. Khi ấy, Thầy thường hay nói đùa: “Không dạy bỏ riết lục nghề”, nhưng tôi hiểu ấy chỉ là lời nói đùa cho vui mà thầy dạy lớp vì lòng yêu nghề, yêu trẻ, nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn còn sôi sục trong Thầy. Có thể nói chỉ những cử chỉ nhỏ, lời nói quan tâm của Thầy cũng đủ ấm áp cho các em học sinh. Vào đầu năm khai giảng, đến phần chào đón học sinh khối 6, Thầy thường đến trước để chào mừng các em. Một cái vẫy tay, một cái bắt tay, một cái vỗ vai hay một cái xoa đầu của Thầy thay cho lời động viên các em vững tin hơn khi học ở một môi trường mới. Thật ấm áp! Ánh mắt trìu mến của Thầy nhìn đàn em thơ cũng giống như vòng tay mở rộng và nụ cười hiền hòa của Bác Hồ dành cho các cháu thiếu nhi.