Nguyễn Đinh Khoa: Lười đọc, ghét văn, nghiệp viết từ ‘cảm nắng’
Từ năm 2018 đến nay, Nguyễn Đinh Khoa đã ra mắt ba tác phẩm, trong đó truyện dài Độc hành (Nhà xuất bản Trẻ) từng đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 6. Mà anh đang làm giám đốc quản lý dự án tại một tập đoàn bất động sản.
Hai tác phẩm còn lại là tản văn Trở về một đứa trẻ (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2021) và Con kiến xây (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2023). Cuộc gặp diễn ra khi Con kiến xây vừa in xong còn thơm phức mùi giấy, Nguyễn Đinh Khoa nói về duyên viết lách của mình:
– Hồi nhỏ tôi rất… lười đọc và cũng lười học môn văn nên kết quả môn này những năm đi học phổ thông không có gì nổi trội cả, còn mém rớt tốt nghiệp vì điểm môn văn dưới trung bình (cười). Cái duyên viết lách chắc bắt đầu từ “cảm nắng” một bạn.
Hồi đó đâu chừng 20 tuổi, “cảm nắng” một bạn. Cái hôm nhìn thấy bạn ngồi đọc sách, thế là cũng đi nhà sách tìm mua đúng cuốn bạn đọc để coi bạn này đọc sách gì thôi. Nhưng mình bị cuốn vào cuốn sách đó, thấy như cuốn sách hiểu mình. Tác giả như bóc tách tâm tư, tình cảm, tâm lý của con người một cách sâu sắc quá. Vậy là đi tìm sách của tác giả này về đọc.
Càng đọc càng bị cuốn vào, có khi đau lòng như thể mình ở trong tình huống đó, cả tuần sau tâm trí vẫn chưa thoát ra được, cứ lửng lơ miên man.
Viết khi cô đơn và tổn thương
* Từ khi nào anh bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình?
– Niềm yêu thích đọc sách cứ vậy lớn dần lên, cho đến khi tôi quyết định bắt tay vào viết. Tôi viết vào lúc trái tim mình tan nát, vào những thời khắc không thể bám víu vào bất cứ điều gì nữa, trong những khoảng thời gian mình cảm thấy cô đơn và bị tổn thương nhất. Lúc đó vì không biết chia sẻ với ai nên tôi viết. Nhưng khi bắt đầu viết, tôi nghĩ đang hướng mình về phía ánh sáng để trở thành một người có ý nghĩa hơn.
* Anh đã có tập truyện dài được giải thưởng cuộc thi văn học. Hãy chia sẻ một chút về kỹ năng viết mà anh đã rèn luyện?
– Thật ra tôi không có kỹ năng viết gì đặc biệt hay gò mình vào những quy tắc nào cả. Tôi viết khởi đầu bằng bản năng, rồi rèn luyện và cố gắng duy trì việc viết lách. Tôi cũng không đợi cảm hứng đến với mình hay chẳng có dàn ý gì cụ thể cả, mà viết từ một ý niệm mơ hồ, về một nhân vật mà tôi muốn hướng đến. Và cứ thế, tôi tìm cách vén bức màn của sự mơ hồ đó để tìm đến nhân vật, tìm đến ý nghĩa thực sự từ ý niệm lúc đầu.
Niềm vui thích của việc viết lách chính là sự ngạc nhiên trước những khám phá của mình đối với nhân vật và những câu chuyện của họ. Tôi nghĩ mình chỉ đơn thuần là một người viết. Và vì tôi đã chân thành tìm kiếm họ (những nhân vật) nên họ cũng đến bên tôi để kể lại những câu chuyện của họ mà việc của tôi là lắng nghe và ghi lại lời kể của họ.
Chuyện đời, chuyện nghề qua trang viết
* Tại sao tên tản văn mới là Con kiến xây?
– Con kiến xây là cách chơi chữ về dân kiến trúc xây dựng mà sinh viên vốn quen dùng. Nào giờ tôi mê kiểu tản văn tự sự, nhưng lần này chọn cách viết tản văn “hướng nghiệp” hướng đến các bạn trẻ hơn. Trong đó là những câu chuyện vui buồn của hơn chục năm gắn bó với công ty, chuyện nghề, kỷ niệm từ ngày chập chững làm quen với gạch đá đến lúc đứng tên mình trên một dự án quy mô.
Có độc giả sau khi đọc tản văn này chia sẻ rằng thấy mình đâu đó trong những câu chuyện mà nếu lúc nào đó bế tắc trong công việc sẽ tìm được sự cổ vũ khi nhớ về những trang viết của Con kiến xây.
* Vậy tranh thủ tư vấn nghề nghiệp luôn nhỉ. Cần tố chất gì để làm trong ngành kiến trúc?
– Làm gì thì trước hết phải yêu nó đã. Không có con đường tắt để đi đến thành công, mà phải nỗ lực vượt qua thử thách. Từ học ở trường đến thực tiễn là quãng đường khá dài mà mỗi chúng ta cần khiêm tốn lắng nghe, kiên trì học hỏi từ người đi trước và đồng nghiệp.
Riêng với nghề kiến trúc, ngoài đi nhiều để trải nghiệm những công trình kiến trúc, người làm nghề cần trải nghiệm phong cách sống một cách phong phú, tiếp thu ý tưởng mới vào những yêu cầu thiết kế cụ thể để mang đến giá trị bền vững cho những thiết kế của mình.
* Thấp thoáng đâu đó trong Con kiến xây là những thị phi, đấu đá… Đi làm và thành công bằng thực lực và cái tâm sáng, anh thấy có khó không?
– Mỗi nơi làm việc có một môi trường và vận hành khác nhau nên tôi nghĩ điều cần là học cách thích nghi. Phải hiểu đồng nghiệp và thế mạnh của họ, hiểu môi trường vận hành để có cái nhìn khách quan, không phán xét. Điều này giúp mình làm việc một cách công tâm hơn, góp phần thay đổi những thứ bất cập trở nên tốt hơn, mang đến lợi ích chính đáng cho tập thể.
Điều quan trọng khác là mình phải biết giá trị của mình, trân trọng giá trị của đồng nghiệp và kết nối năng lực của họ để tạo ra những giá trị tốt hơn. Thành công của một tập thể có đóng góp của mình trong đó mới thật sự đáng trân trọng.