Vào mùa khô hoặc ngày nắng nóng, nguồn nước sinh hoạt phục vụ hàng trăm học sinh, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú – THCS Trung Lý, huyện Mường Lát thiếu trầm trọng. Thầy giáo lại lên núi tìm và khơi nguồn nước dẫn về ký túc xá.
Một ngày đầu mùa hè, thấy nguồn nước chảy về bể chứa ở khu ký túc xá bị tắc, không đủ nước sinh hoạt cho học sinh và giáo viên sử dụng.
Thầy giáo Lộc Văn Trung – phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú – THCS Trung Lý, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) – cùng nhân viên nhà trường đem theo dao, một số vật dụng trèo lên khu vực núi Pù Luốc, cách trường hơn 400m để tìm và khơi thông dòng nước chảy từ phía đầu nguồn.
Nguồn nước sinh hoạt của nhà trường được lấy từ suối Luốc ở bản Táo, nằm trên khu vực núi Pù Luốc.
Nước sinh hoạt được dẫn bằng ống nhựa, có chiều dài hơn 400m từ đầu nguồn về bể tại khu ký túc xá do nhà trường tự đầu tư.
Theo thầy Lộc Văn Trung, vào mùa khô hoặc những ngày nắng nóng, tại khu ký túc xá có 424 học sinh ở trường và khu nhà công vụ có hơn 10 giáo viên ở lại thường xuyên thiếu nước sinh hoạt.
Nguồn nước tự chảy từ suối Luốc về chỉ đủ phục vụ nấu ăn bán trú cho học sinh và để học sinh đánh răng, rửa mặt hằng ngày.
Còn việc tắm, giặt quần áo hằng ngày, học sinh đành phải ra suối Sao Lư, cách trường hơn 400m.
Dù biết nguồn nước sinh hoạt từ suối Luốc chảy về bể cho học sinh, giáo viên dùng hằng ngày và học sinh phải đi tắm suối không được hợp vệ sinh, nhưng đành phải sử dụng vì hiện nhà trường chưa tìm được nguồn nước thay thế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thầy Lộc Văn Trung cho biết: “Để chủ động được nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho học sinh và giáo viên sử dụng chỉ có giải pháp đầu tư khoan giếng, lấy nguồn nước ngầm.
Tuy nhiên, chi phí mỗi giếng khoan tại địa phương lên tới hơn 100 triệu đồng, trong khi nhà trường không có kinh phí để đầu tư khoan giếng.
Do vậy, nhà trường rất mong Nhà nước, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để khoan giếng phục vụ học sinh và giáo viên của trường”.