Đã gần một năm trở về sau hải trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc”, Mai Hải Yến nói nhiều lúc cứ ngỡ như giấc mơ vì chưa từng nghĩ mình được đặt chân lên vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc – Trường Sa.
Cô học sinh “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” ngày nào giờ là nữ sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, là một trong 200 sinh viên, cán bộ hội có mặt trong chương trình đầu tiên do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, đến thăm cán bộ chiến sĩ Trường Sa.
Tuổi Trẻ lược ghi câu chuyện của bạn.
Ký ức thanh xuân
Ngày thứ tư của hành trình, tàu KN290 đưa chúng tôi đến vùng đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao. Hôm ấy, chúng tôi làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong sự kiện Gạc Ma vào tháng 3-1988. Họ đã kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và mãi mãi nằm lại giữa trùng khơi cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu.
Diễn văn cất lên, mưa bất ngờ nặng hạt trên boong tàu. Mọi người vẫn đứng ngay ngắn dù ai cũng ướt đẫm. Mắt ai cũng đỏ hoe. Nhiều đại biểu rơi nước mắt.
Và tôi cũng không kìm được, bật khóc thành tiếng khi thả những đóa cúc trắng cùng hạc giấy do chính các bạn sinh viên gấp xuống biển mong các anh dù ở nơi nào đó vẫn mãi một lòng gìn giữ từng tấc biển của cha ông.
Ngày thứ năm của hành trình, đảo Trường Sa đón chúng tôi trong cái nắng chiều rực rỡ, biển xanh và gió lộng. Mình đã đặt chân lên đảo Trường Sa, không phải giấc mơ. Những bước chân đầu tiên lên đảo, thoáng nhìn thấy cờ Tổ quốc đang bay phấp phới từ xa, tôi rưng rưng nước mắt.
Chúng tôi dự lễ chào cờ trên đảo, hòa tiếng hát cùng chiến sĩ trong bài quốc ca mà lòng quá đỗi tự hào khi mình là con dân nước Việt. Tôi và các bạn chứng kiến màn duyệt binh trên đảo. Giây phút trang nghiêm ấy, chúng tôi nghe rõ 10 lời thề danh dự của quân nhân. Và như có sợi dây vô hình của lòng yêu nước gắn kết, cả đoàn sinh viên chúng tôi cũng dõng dạc cùng các chiến sĩ “Xin thề”!
Nơi ấy như gia đình
Hải trình của chúng tôi vượt sóng Biển Đông nhưng thời tiết không thuận lợi lắm nên chỉ có thể vào thăm các đảo Sinh Tồn, Đá Tây và Trường Sa. Kỳ lạ là những con người xa lạ, lần đầu gặp mà cứ ngỡ như thân thiết từ lâu. Chúng tôi khoác vai nhau ngân nga những bài hát ngợi ca đất nước, biển đảo.
Ban đầu tôi còn chưa quen khi nghe chiến sĩ gọi mình là chị, nhưng khi trò chuyện mới biết thực ra những bạn trẻ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa ấy chỉ mười tám, đôi mươi. Thoáng chút bất ngờ song nhìn lại và tự ngẫm nghĩ, chợt nhận ra tuổi 20 của mình vẫn còn khá vô lo, còn dựa vào sự chở che của gia đình.
Câu hỏi “Bạn có nhớ nhà không?” bỗng như lạc lõng bởi ai chẳng nhớ nhà, nhiều lúc cũng thèm cảm giác được nhìn mặt bố mẹ, ôm người thân mà điều kiện liên lạc ngoài đảo xa cũng có phần hạn chế. Nhưng những cảm xúc ấy chẳng là gì khi họ biết rằng gia đình rất tự hào về mình, với nhiệm vụ thiêng liêng mỗi người đang gánh vác.
Tôi nhớ câu chuyện của anh An. Anh kể con mình cũng trạc tuổi tụi tôi. Nhiệm vụ đưa anh đến nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mỗi năm về phép một lần, thấy con mình lớn hơn nhiều và yên tâm hơn để làm nhiệm vụ khi biết rằng có một hậu phương vững chắc phía sau mình.
Chuyến đi của chúng tôi có một nhân vật khá đặc biệt – Diệu Linh – mà đối với bạn ấy, hải trình này có ý nghĩa rất đặc biệt vì được ra thăm bố đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa. 14 năm bố gắn bó với đảo, mỗi năm Linh chỉ được gặp một lần khi bố về phép. Nghe câu chuyện của Linh, tôi càng nể phục, biết ơn sự hy sinh của những gia đình quân nhân như thế. Với họ, tình yêu đất nước luôn là lựa chọn ưu tiên trước những tình cảm riêng tư.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ