Nên duyên nhờ bỏ phố về núi và tâm huyết ‘vá’ rừng Măng Đen
Từ bỏ phố về rừng, chị Yến và anh Quyết tích cực trồng rừng và tặng cây đến những nơi đang cần, nhằm ấp ủ hy vọng phủ xanh những mảng đồi trọc tại nơi đang sống.
Ngoài ra, họ lo sợ cây rừng ngày càng mất đi trước làn sóng đầu tư du lịch và nông nghiệp tại đại ngàn Măng Đen.
Cùng tình yêu với rừng
Từng làm việc tại một vườn quốc gia và quan tâm đến môi trường, thiên nhiên, hai năm trước chị Trương Hải Yến xách ba lô đến Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) vì yêu thích vẻ hoang sơ, nhiều cây cối ở đây.
Sống cùng núi rừng và trồng vườn cho một số homestay để kiếm thu nhập, chị chọn lối sống tối giản, hạn chế tiêu dùng để vừa tiết kiệm, vừa giảm bớt rác thải nhựa. Chị thay dầu gội, sữa tắm bằng chanh, muối, vỏ bưởi, bồ kết và tái chế sử dụng rác thải. Khi rảnh thì chị nhặt rác quanh khu vực sống.
Cũng chọn Măng Đen là nơi dừng chân sau khi từ bỏ công việc quản lý một công ty ở Đà Lạt, anh Phạm Văn Quyết (quê Nam Định) đã gặp chị Yến. Nhận thấy mình có nhiều sở thích tương đồng với cô gái quê Kiên Giang, đặc biệt là yêu cây cối, họ yêu nhau, nên duyên vợ chồng và cùng đồng hành trong việc “vá” rừng.
Để lan tỏa và có thêm sức người, họ kêu gọi tình nguyện viên đồng hành, ai có gì góp nấy như đất, cây giống, hạt, vốn, góp sức… Dần dà, anh chị lập nhóm “Phủ xanh Măng Đen” trên mạng xã hội để gây quỹ cho việc trồng rừng, tăng độ phủ xanh.
Anh Quyết (34 tuổi) và chị Yến (40 tuổi) hiện đang sống trên mảnh đất rộng khoảng 1ha được cho mượn. Tại đây, họ mở quán cà phê nhỏ với view nhìn ra đồi, sống cùng cô con gái đáng yêu có tên thân mật là Xanh, vừa tròn 6 tháng tuổi. Kế bên quán là mảnh vườn trồng nhiều loại hoa, cây cỏ để làm cảnh quan và mang tặng nơi khác trồng. Phía sau quán là vườn hoa tam giác mạch và một khoảnh đất để ươm cây, phục vụ cho việc trồng rừng.
“Năm ngoái chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương trồng 30.000 cây thông dọc quốc lộ 24 ở Măng Đen và hai xã khác. Trong số đó có 10.000 cây do một doanh nghiệp ở Kon Tum gửi tặng”, chị Yến cho biết.
Suốt hai năm sống ở Măng Đen, anh chị đã đồng hành cùng địa phương bằng việc tặng theo nhu cầu cho các xã, trường học và cùng tham gia trồng cây tại thị trấn này với các xã liền kề. Hành động đẹp lan tỏa, nhiều nhà hảo tâm và doanh nghiệp biết đến cũng gửi tiền để mua hạt, cây giống, đất hoặc tặng cây cho địa phương.
Ngoài ra, nhóm Phủ xanh Măng Đen cũng tự trồng rải rác khắp nơi. “Mình thông báo trước trên mạng hoặc khách ghé quán cà phê về kế hoạch đi trồng, rồi ai rảnh, có hứng thú thì tham gia cùng chứ không cố định là những ai”, anh Quyết nói và cho biết mình trồng rừng bằng tình yêu đối với cây cối, với rừng và muốn làm việc hữu ích, cải tạo không gian sống nên không đề cao mục tiêu về số lượng.
“Sức đến đâu làm đến đấy, chúng tôi không tạo ra áp lực cho bản thân mình và mọi người”, anh cho hay. Tương tự, chị Yến cũng chia sẻ trồng cây không phải là trách nhiệm của riêng ai, do đó ngoài mưu sinh bằng quán cà phê thì thời gian rảnh anh chị sẽ đi mua cây, nhặt hạt và trồng. “Chúng tôi không thấy khó khăn gì trong việc này, cơ bản mọi thứ thuận lợi, tốt đẹp”, chị nói.
Ngoài trồng rừng, nhóm còn hỗ trợ một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện học tập.
Du lịch Măng Đen cần cây, cần rừng
Hiện nhóm Phủ xanh Măng Đen đã trao tặng và trồng khoảng 80.000 cây trong hai năm 2021, 2022. Một số cây mà nhóm đã trồng như thông, dổi, mai anh đào, mimosa, sưa, mít Thái, kơnia… Những cây này được mua từ vườn ươm bên ngoài, có bạn trong nhóm tự ươm rồi tặng, hoặc tới mùa có trái thì nhặt hạt về ươm.
Với vợ chồng chị Yến, việc trồng rừng ngoài tình yêu rừng ra, họ còn lo ngại trước làn sóng đầu tư du lịch hay nông nghiệp ở Măng Đen, bởi khi đó cây rừng sẽ ngày càng bị mất đi, thay cho việc xây dựng cơ sở du lịch và nông nghiệp.
“Măng Đen giờ đây nóng hổi về hoạt động du lịch. Chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư sở hữu đất thấy rằng du lịch sinh thái ở Măng Đen cần cây, cần rừng. Nếu muốn có một nơi kinh doanh du lịch sinh thái thì nên giữ cây hoặc trồng thêm rừng. Chứ không thì chẳng mấy chốc vùng đất này chẳng còn hoang sơ, mát mẻ nữa.
Du khách đến homestay, quán cà phê, trekking, camping… đều cần cây cối, cần view rừng. Chưa kể, đất không có cây, khuôn viên sẽ bị gió quật tả tơi gồm nhà cửa, hoa màu…”, chị Yến tâm sự.