Khắc ghi lời dạy của Bác: “Lương y phải như từ mẫu”, những năm qua, ngành y tế Thái Bình có nhiều cá nhân tiêu biểu với những việc làm cụ thể, thiết thực, lan tỏa mạnh mẽ. Mặc dù khác nhau ở tuổi đời, tuổi nghề, vị trí, đơn vị công tác song họ đều có điểm chung là yêu nghề, nhiệt huyết với công việc, hết lòng vì bệnh nhân, có nhiều đóng góp tích cực vào việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn có những biện pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu người bệnh.
Thủ lĩnh của những “chiến binh” áo trắng
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngày lễ cũng như ngày thường công việc của các y bác sĩ, nhân viên ở đây luôn bận rộn từ sáng sớm cho tới đêm muộn. Có những ngày cao điểm Khoa tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân. Thức đêm triền miên, phải “vật lộn” với tử thần để giành lại sự sống cho người bệnh; một quyết định sai có thể đánh đổi bằng cả mạng người. Áp lực, căng thẳng, vất vả luôn thường trực, có thể nói, mỗi y bác sĩ ở đây đều là những “chiến binh” hàng ngày, hàng giờ đấu tranh vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Trong các “chiến binh” ấy có bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Trưởng khoa Cấp cứu, là người có nhiều năm gắn bó với Khoa từ khi là bác sĩ điều trị cho đến khi giữ chức vụ lãnh đạo Khoa. Anh chia sẻ: Công việc ở Khoa áp lực như vậy nhưng tôi luôn tâm niệm bằng mọi cách phải khắc phục khó khăn, làm sao chẩn đoán điều trị chăm sóc người bệnh tốt nhất, nhanh nhất có thể. Đây là nghề của mình rồi, đã chọn làm nhân viên y tế cấp cứu thì mình phải chấp nhận vất vả, rủi ro. Mỗi khi mình cấp cứu thành công người bệnh thì đó là niềm vui rất lớn, là động lực vô bờ để mình gắn bó hơn với nghề.
Quá trình tham gia công tác tại Khoa Cấp cứu, bác sĩ Tùng đã tham gia cấp cứu, điều trị rất nhiều người bệnh, đồng thời trực tiếp tham gia quản lý, vận hành các hoạt động của Khoa, cùng với tập thể đạt được nhiều thành tích được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Theo chị Đoàn Thị Thanh, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu: Bác sĩ Tùng là người có năng lực chuyên môn rất tốt, có trách nhiệm cao trong công việc, tận tâm với người bệnh. Trên cương vị lãnh đạo Khoa, bác sĩ Tùng luôn đôn đốc nhắc nhở và đề ra những biện pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu người bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ Tùng luôn sâu sát, trách nhiệm, khoa học trong quản lý mọi mặt hoạt động của Khoa; phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, bảo đảm hợp tình, hợp lý. Thấu hiểu công việc tại Khoa Cấp cứu rất áp lực nên bác sĩ Tùng thường xuyên chia sẻ, động viên các anh chị em.
Ngoài ra, bác sĩ Tùng còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến hiệu quả ứng dụng trong hoạt động chuyên môn tại Khoa góp phần nâng cao chất lượng cấp cứu người bệnh như: cải tiến đèn đặt nội khí quản có gắn camera; cải tiến giá treo dây cáp điện tim… Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam cách đây hơn 2 năm, bác sĩ Tùng đã xung phong vào tâm dịch để trực tiếp tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Khi trở về quê hương, những kinh nghiệm tích lũy được đã được bác sĩ Tùng vận dụng sáng tạo khi điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tỉnh và thường xuyên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với đồng nghiệp các tuyến để có thêm nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi.
Học Bác bằng cả trái tim
“Vững vàng về chuyên môn, luôn luôn hoàn thành tốt công việc được giao, giản dị trong cuộc sống, gần gũi với đồng nghiệp, hết lòng với người bệnh” là nhận xét của bác sĩ Phạm Văn Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương về bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp. Chúng tôi gặp bác sĩ Hùng khi anh đang thực hiện công việc nội soi cho bệnh nhân tại Phòng Nội soi tiêu hóa, Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Mỗi ngày anh đều có mặt tại Bệnh viện trước 6 giờ 30 phút, sau khi giao ban sẽ xuống Phòng Nội soi tiêu hóa để nội soi cho bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày anh tiến hành nội soi cho 20 – 30 ca. Ông Nguyễn Quang Thẩm, thôn Cao Trung, xã Đình Phùng (Kiến Xương) chia sẻ: Trước khi tiến hành nội soi, bác sĩ Hùng đều thăm hỏi rất kỹ bệnh nhân, trao đổi, hướng dẫn cụ thể các bước quy trình bệnh nhân phải thực hiện để bệnh nhân sẵn sàng tâm lý. Đây là lần đầu tiên tôi làm nội soi nên hơi căng thẳng, song được bác sĩ Hùng hướng dẫn tận tình, chu đáo nên quá trình khám diễn ra rất suôn sẻ, thuận lợi.
Ngoài công việc tại Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, hàng ngày bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương còn thực hiện nội soi cho 20 – 30 bệnh nhân.
Sau khi khám và tư vấn cho hết lượt bệnh nhân đăng ký, bác sĩ Hùng lại tất bật quay trở lại Phòng Kế hoạch – Tổng hợp để làm việc. Trên cương vị Trưởng phòng, anh đã có nhiều tham mưu, đề xuất để phát triển chuyên môn của Bệnh viện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Nhiều đề xuất của anh được Bệnh viện áp dụng có hiệu quả như tiếp đón, thăm khám người bệnh vào 2 ngày cuối tuần; thay đổi hệ thống xét nghiệm, chụp cắt lớp hiện đại, triển khai chạy thận nhân tạo… Cá nhân anh cũng có 5 đề tài khoa học liên quan tới nội soi, cải tiến chất lượng công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện, thống kê mô hình bệnh tật với mục đích chủ động kế hoạch về thuốc men vật tư y tế tại Bệnh viện, đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác khám chữa bệnh… Đặc biệt, khi tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cách đây 2 năm, bác sĩ Hùng đã có sáng kiến chế tạo bình nước uống tiện lợi cho bệnh nhân cấp cứu Covid-19 có thể tự phục vụ trong quá trình điều trị. Sáng kiến đã được lãnh đạo Bệnh viện đánh giá cao và áp dụng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, anh rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, trong đó đã tham mưu Ban giám đốc Bệnh viện tổ chức 4 đợt khám, cấp thuốc miễn phí cho gần 2.000 người dân, đối tượng chính sách của 4 xã trên địa bàn huyện. Là thành viên Hội thiện nguyện Canh Thân 1980, bác sĩ Hùng đã kết nối, duy trì việc phát cháo từ thiện miễn phí vào sáng thứ 6 hàng tuần tại Bệnh viện trong nhiều năm qua. Ngoài ra, anh còn vận động các cá nhân, tập thể ủng hộ cho bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện; tổ chức và trực tiếp khám bệnh từ thiện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; tham gia, vận động người thân, đồng nghiệp hiến máu nhân đạo và các hoạt động từ thiện khác… Bác sĩ Hùng chia sẻ: Trong suốt quá trình công tác, tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác: “Lương y phải như từ mẫu”, “Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm”. Đây cũng là kim chỉ nam cho bản thân tôi nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện chuyên môn đạo đức, tác phong của người thầy thuốc, cùng với đồng nghiệp tại Bệnh viện thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.
Nghề y là một nghề cao quý được cả xã hội tôn vinh. Trong thực tế còn rất nhiều những tấm gương sáng về y đức như bác sĩ Tùng, bác sĩ Hùng đang ngày ngày âm thầm cống hiến, đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh./.
NGUỒN: Báo Thái Bình