Những cựu chiến binh làm theo lời Bác

Trên địa bàn Hà Nội, nhiều cựu chiến binh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, chọn cách sống có ích, không chỉ nỗ lực bước qua bệnh tật mà còn biết cách làm giàu…

Đi đầu trong phong trào dân vận

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, nhiều cựu chiến binh đã gương mẫu đi đầu, hoạt động tích cực trong công tác dân vận, phát huy tối đa vai trò của mình trong tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Tại phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), cựu chiến binh Đặng Đình Chiến là Bí thư chi bộ Tổ dân phố 11.

Ông luôn nêu cao tinh thần “miệng nói tay làm”, hoạt động sâu sát, gần gũi với bà con khu phố, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó đề ra kế hoạch lãnh đạo sát, đúng thực tế.

Những cựu chiến binh làm theo lời Bác - 1

 Thay mặt Hội Cựu chiến binh phường Láng Thượng, ông Phạm Huy Thông (trái) nhận Bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. 

Khi quận Long Biên có dự án mở đường rộng 40m, kéo dài từ cầu Đông Trù nối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đoạn đường này đi qua địa bàn Tổ dân phố 11, 34 hộ dân và một số cơ quan nằm trong diện giải phóng mặt bằng.

Để người dân nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, cựu chiến binh Đặng Đình Chiến đã cùng cấp ủy và chi bộ chủ động vận động nhân dân giải phóng mặt bằng.

 Cá nhân ông Chiến đã đi từng nhà vận động các gia đình là đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu giải phóng mặt bằng trước. Chính nhờ sự cố gắng thầm lặng đó, dân cư trong tổ dân phố đều đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng.

Năm 2022, cựu chiến binh Đặng Đình Chiến đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc đóng góp tích cực cho sự phát triển Thủ đô; Giấy khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên về những đóng góp xuất sắc trong công tác mặt trận.

Suốt nhiều năm nay, cựu chiến binh Phạm Huy Thông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Láng Thượng (quận Đống Đa) luôn phát huy tinh thần gương mẫu đi đầu trong các hoạt động.

Ông Phạm Huy Thông là người đóng góp tích cực và xây dựng nên mô hình “Đoạn đường tự quản” trên địa bàn.

Trước đây, an ninh trật tự, nhất là an toàn giao thông trên địa bàn phường Láng Thượng rất phức tạp. Đã có thời kỳ, Công an TP Hà Nội xếp phường Láng Thượng là một trong những địa bàn trọng điểm phải tập trung lực lượng trấn áp tội phạm, lập lại an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Trước tình hình này, cựu chiến binh Phạm Huy Thông đã cùng Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xây dựng mô hình “Đoạn đường tự quản” tại đường Láng.

Mô hình đã giúp duy trì đường thông hè thoáng, an toàn giao thông, giải tỏa các điểm ùn tắc như: Ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Đường Láng, cầu 361… Đồng thời, Hội Cựu chiến binh phường phối hợp với Công an phường giải tỏa các điểm nóng về an ninh trật tự, tụ điểm ma túy mại dâm.

Không dừng lại ở đó, khi xuống địa bàn khảo sát nghiên cứu tình hình điểm nóng trật tự an ninh ở quanh khu vực cổng bệnh viện Nhi Trung ương, cựu chiến binh Phạm Huy Thông đã đề xuất và vận động thành lập mô hình “Xe ôm tự quản” lấy nòng cốt là các cựu chiến binh.

Những thành viên mô hình “Xe ôm tự quản” vừa hành nghề, vừa giữ gìn an ninh trật tự, góp phần đảm bảo an ninh trật tự của khu vực.

Những cựu chiến binh làm theo lời Bác - 2

Hội Cựu chiến binh phường Láng Thượng xây dựng mô hình “Đoạn đường tự quản” đã mang lại nhiều hiệu quả trong đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Phát triển kinh tế xây dựng quê hương

Vượt lên những mất mát, đau thương của chiến tranh, không ít cựu chiến binh đang từng ngày thầm lặng, cống hiến cho công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương.

Cựu chiến binh Lê Văn Huệ (SN 1962, trú tại thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) là một điển hình. Phục viên trở về từ chiến trường Campuchia, cựu chiến binh Lê Văn Huệ quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương. 

Có thời điểm, gia đình ông Huệ nuôi tới 6.500 gà đẻ trứng và trồng nhiều loại cây ăn quả, tạo ra nhiều việc làm. Thậm chí, ông còn đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả mang lại thu nhập lên tới 600 triệu đồng/năm.

Để giúp những người dân trong vùng cùng vươn lên làm giàu, cựu chiến binh Lê Văn Huệ đã tham gia vào vị trí Trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã thôn Long Phú. Ông thường xuyên cùng cán bộ thôn đi học tập các mô hình kinh tế mới, cách nuôi trồng hiệu quả để truyền đạt lại cho bà con nông dân.

Cũng từng tham gia ở chiến trường Campuchia, cựu chiến binh Trần Nam Dương (thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) chia sẻ, tháng 2/1975, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên của Tổ quốc.

Sau gần 7 năm trong quân ngũ, tháng 12/1982, ông được xuất ngũ trở về quê nhà với cấp bậc Chuẩn úy.

Những cựu chiến binh làm theo lời Bác - 3

Cựu chiến binh Lê Văn Huệ vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế.

Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2010, cựu chiến binh Trần Nam Dương triển khai mô hình trang trại tổng hợp trên diện tích 2ha thầu với địa phương. Ông đã đầu tư 400 triệu đồng để đào 2 ao nuôi cá.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mỗi năm ông Trần Nam Dương lại đầu tư, xây dựng, phát triển trang trại với mô hình vừa trồng cây ăn quả vừa chăn nuôi. 

Khi trang trại đã ổn định, trung bình mỗi năm ông Dương thu về hơn 30 tấn cá. Xung quanh ao cá, ông trồng gần 2.000 cây ăn quả các loại đem lại thu nhập mỗi năm từ 400 đến 500 triệu đồng.

Nhớ lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phong (SN 1954, ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức) đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho con em các thương, bệnh binh.

Năm 1971, khi tròn 17 tuổi, ông Nguyễn Hồng Phong lên đường nhập ngũ tại đơn vị Trung đoàn E12 của tỉnh Hà Tây (cũ). Sau đó, ông được điều động vào chiến trường Quân khu 5. Tháng 10/1975, ông Nguyễn Hồng Phong phục viên về địa phương với thương tật nặng, là thương binh 1/4.

Sau khi về địa phương, ông Nguyễn Hồng Phong đã thành lập xưởng may và mở nhiều lớp dạy nghề may đào tạo miễn phí cho 200 lao động địa phương là người khuyết tật hoặc con em của thương, bệnh binh.

Đa số học viên sau khi học nghề đã thành thạo và làm việc ở các công ty may với mức thu nhập ổn định. Nhiều học viên có vốn đã mở được cửa hàng may riêng.

Hà Nội hiện có hàng chục nghìn cựu chiến binh. Trong chiến tranh, họ xông pha nơi chiến trường, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã bị thương hay nhiễm chất độc hóa học…

Thế nhưng, thương tật do chiến tranh để lại vẫn không làm giảm ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho quê hương của những người lính khi xưa.
Những cựu chiến binh như: Đặng Đình Chiến, Phạm Huy Thông, Lê Văn Huệ, Nguyễn Hồng Phong… là điển hình tiêu biểu của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng trong đời thường.

Nguồn: Báo Lao động Xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.