PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC ĐOÀN CÁC CẤP TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập ở nước ta đã tạo điều kiện cho thế hệ trẻ trong đó có lứa tuổi vị thành niên được sống trong môi trường đầy đủ về vật chất. Tuy nhiên những mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự đa dạng về văn hóa trong bối cảnh mở cửa và hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và nhận thức của lứa tuổi vị thành niên. Tội phạm vị thành niên sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy đã và đang trở thành một vấn nạn xã hội, đe dọa tới sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Tích cực triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy đang trở thành mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Trong cuộc đấu tranh này, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày càng có vai trò hết sức quan trọng.
Những con số báo động
Trong những năm gần đây, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp. Bên cạnh các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin, cần sa, đã xuất hiện hàng trăm loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới; việc đối phó với tình hình lạm dụng các loại ma túy này đang gặp nhiều khó khăn và số người sử dụng, nghiện ma túy ở nước ta chưa có dấu hiệu giảm (Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến ngày 16/6/2022 toàn quốc có 217.059 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 11.241 người so với cuối năm 2021; 59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy). Trên các tuyến biên giới đường bộ (đặc biệt là tuyến Tây Bắc, phía Bắc và Bắc miền Trung), các lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn, có vụ tới hàng trăm bánh heroin, hàng trăm ngàn viên ma túy tổng hợp như: muối tắm, cỏ Mỹ, ma túy “đá,” “thuốc lắc”, “bóng cười”, “tem giấy”…; với xu hướng tội phạm ma túy ngày càng trẻ hóa (Theo thống kê của Cục C04, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phá thành công hơn 10.000 vụ, bắt hơn 16.000 nghi phạm, thu giữ 397kg heroin, 838kg ma túy tổng hợp, 71kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan.).
Hiện nay, cả nước có 120 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 105 cơ sở cai nghiện công lập. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho gần 42.000 người, trong đó tiếp nhận mới gần 4.500 người theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2021; đã có 19 tỉnh thực hiện với 89 điểm cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho hơn 2.000 người. (Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Những yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy của tổ chức đoàn các cấp
Trước tình hình sử dụng, buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy gia tăng và ngày càng phức tạp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiểm soát sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên công tác này của Đoàn Thanh niên vẫn còn một số hạn chế:
Một là, tại nhiều cơ sở đoàn, việc tuyên truyền phòng, chống tệ nạn HIV/AIDS, ma túy, mại dâm chủ yếu thông qua việc lồng ghép với các nội dung, chương trình giáo dục khác (các hoạt động có đảm bảo về kinh phí triển khai) như phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, mại dâm, an toàn giao thông…
Hai là, nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy đối với thanh thiếu niên mới dừng ở việc trang bị cho thanh thiếu niên những kiến thức cơ bản, một số đối tượng nhất định mà chưa đi vào cả chiều rộng và chiều sâu của vấn đề; chưa phổ biến rộng rãi kiến thức pháp luật cần thiết, mang tính đặc thù, phù hợp với từng nhóm đối tượng thanh thiếu niên khác nhau. Các hoạt động chủ yếu tập trung ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi, đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên tiên tiến và các đối tượng thanh niên chậm tiến; chưa tiếp cận, đầu tư vào các đối tượng thanh niên tự do, thanh niên cư trú không ổn định, thanh niên không có việc làm.
Ba là, số lượng và chất lượng hoạt động của các mô hình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cộng đồng chưa đáp ứng tình hình thực tế, mới dừng ở việc xây dựng mô hình điểm, việc chỉ đạo, nhân rộng còn hạn chế.
Bốn là, cơ chế, chính sách, nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị truyền thông, tài liệu phục vụ cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy của Đoàn ở các cấp rất khó khăn, nhất là ở cơ sở. Việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, các tài liệu, hướng dẫn về công tác phòng, chống ma túy của thanh niên ở các địa phương, cơ quan, đơn vị còn rất hạn chế. Việc đầu tư cho các sản phẩm tuyên truyền chưa được quan tâm, số đầu sách còn ít, khai thác không hiệu quả.
Năm là, công tác phối hợp giữa tổ chức Đoàn, Hội, Đội với các ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm chưa thực sự đồng bộ, thiếu chặt chẽ; hiệu quả hoạt động còn hạn chế.
Sáu là, công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng của thanh thiếu niên chậm tiến, thanh niên sau cai nghiện còn chậm dẫn đến số lượng thanh niên tái nghiện ma túy còn ở mức cao gây khó khăn trong công tác giúp đỡ, tái hòa nhập cộng đồng.
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy trong thanh thiếu niên
Trong tình hình hiện nay, Đoàn Thanh niên cần đổi mới tư duy, hình thức hoạt động nhằm tập hợp thanh thiếu niên, đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy.
Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên
Các cấp bộ đoàn cần tiếp tục đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục chuyên đề về phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên như: xây dựng các infographic về tác hại của ma túy, tuyên truyền trên các mạng xã hội như facebook, zalo…; tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến; nói chuyện chuyên đề, đối thoại về công tác phòng, chống ma túy; tổ chức thi tiểu phẩm – sân khấu hóa; lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào sinh hoạt các cấp. Tiến hành tổ chức các hoạt động triển lãm, công diễn, công chiếu các sản phẩm của các cuộc thi sáng tác tác phẩm, kịch bản tiểu phẩm, tranh cổ động…về công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý trong thời gian qua… Đặc biệt, tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi video – clip, MV, đồ họa… về tuyên truyền phòng chống ma tuý trên các phương tiện truyền thông hiện đại. Các cấp bộ Đoàn tổ chức các diễn đàn “Tuổi trẻ với công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Thanh niên nói không với ma túy”; hội thi “Các đội tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong học sinh, sinh viên”, chương trình giao lưu, gặp gỡ “Thắp sáng ước mơ vì ngày mai tươi sáng”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Gặp gỡ những tấm lòng nhân hậu với những người hoàn lương tiêu biểu”…
Tổ chức Đoàn, Hội, Đội tại các trường học tổ chức các chương trình tuyên truyền về tác hại của ma túy thông qua tài liệu tuyên truyền, lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt tập thể, ngoại khóa; tuyên truyền về tác hại của các loại ma tuý tổng hợp mới; xây dựng bộ công cụ hỏi – đáp về phòng, chống ma tuý và các tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma tuý cho đoàn viên, thanh thiếu niên. Các cấp bộ đoàn tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên học sinh, sinh viên ký giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động “3 không với ma túy” (không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; dung túng, bao che cho tội phạm ma túy) gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; phát động chi Đoàn, chi Hội thanh niên thực hiện mục tiêu “Mỗi đoàn viên thanh niên, thiếu niên là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống ma túy, mại dâm”.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình của Đoàn trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy cho thanh thiếu niên
Các cấp bộ đoàn tiếp tục phối hợp với ngành công an triển khai Nghị quyết Liên tịch số 03 giữa Trung ương Đoàn và Bộ Công an về “Phối hợp hành động phòng chống ma tuý trong thanh thiếu niên”. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp được các tổ chức đoàn áp dụng và nhân rộng mang lại kết quả quan trọng như: tỉnh Yên Bái: CLB Thắp sáng niềm tin, CLB Tuổi trẻ pháp luật, CLB Văn hóa thanh niên; tỉnh Bình Thuận: Đội kịch tương tác; tỉnh Đồng Tháp: CLB Nhịp sống trẻ, CLB giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; tỉnh Sóc Trăng: Mô hình không ma túy, xóm ngõ bình yên; tỉnh Bắc Ninh: CLB “Gia đình trẻ”, CLB “Chủ nhà trọ thân thiện”; TP.HCM: thành lập hơn 600 đội phản ứng nhanh… tổng kết và xây dựng các mô hình tuyên truyền, giáo dục (tổ, đội, câu lạc bộ, nhóm thanh niên tình nguyện…) hỗ trợ người nghiện sau cai như: Đội thanh niên tình nguyện Thắp sáng niềm tin, Câu lạc bộ bạn giúp bạn, Đội kỹ năng sống… Xây dựng quy chế hoạt động của các câu lạc bộ phòng, chống ma túy.
Các cấp bộ đoàn tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức có hiệu quả chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” giúp đỡ thanh niên sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình như: “Hòm thư tố giác”, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia tố giác tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy; cung cấp các thông tin có giá trị cho lực lượng Công an và các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; mỗi cơ sở Đoàn xây dựng ít nhất một mô hình điểm: địa phương, cơ quan, đơn vị không có tệ nạn ma túy, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, điển hình tiên tiến trong phong trào đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia phòng, chống ma túy tại cộng đồng.
Nâng cao năng lực cho cán bộ Đoàn, Hội về kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục truyền thông về pháp luật cho thanh thiếu niên về phòng, chống ma túy
Các cấp bộ đoàn tổ chức các lớp tập huấn và đào tạo nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ nâng, cập nhật thông tin diễn biến về tình hình ma tuý và tội phạm ma tuý trong thanh thiếu niên cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đội ngũ cộng tác viên nắm bắt dư luận xã hội, đội ngũ phóng viên các báo của đoàn . Hướng dẫn xây dựng kế hoạch công tác, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện, tập huấn về tác hại và phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm cho gia đình có con em trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhất là những gia đình có đổ vỡ do hôn nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Phối hợp với các cấp, các ngành tham gia hỗ trợ thanh thiếu niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng
Các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho thanh niên tại các trại giam, trung tâm cai nghiện, nhân rộng mô hình “Hành trình vì niềm tin”, “Thắp sáng niềm tin” nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên. Đoàn thanh niên xã, phường, thị trấn phối hợp với công an và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành rà soát các đối tượng sau cai trở về địa phương, lập danh sách đăng ký phân công cán bộ tham gia phối hợp theo dõi, chia sẻ, giúp đỡ thanh niên sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời nghiên cứu, phối hợp với các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chữa bệnh do các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Thanh niên xung phong các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình hỗ trợ việc làm cho người nghiện sau cai; tập trung thông tin, tuyên truyền, giới thiệu, định hướng cho các đối tượng thanh niên sau cai tiếp cận các mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương; kết hợp tuyên truyền cho cộng đồng xã hội chia sẻ, đồng cảm, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện và người nghiện sau cai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.