Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp – Tuần 18 (SỐ ĐẶC BIỆT)

Giữ rừng thêm xanh tạo nhiều sinh kế

Giữ rừng thêm xanh tạo nhiều sinh kế - Ảnh 1.

Cây đước được trồng mới ở nông trại “Người giữ rừng”

Công tác ở Trung tâm FACOD trực thuộc Hội Thủy sản Bến Tre, chị Ngọc Hiện cùng đồng nghiệp triển khai dự án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tạo thêm sinh kế từ rừng cho người dân. Khi dự án kết thúc, rừng không giữ được, người dân lại chạy theo lợi nhuận trước mắt phá rừng nuôi tôm.

Chị Ngọc Hiện bàn với ông xã là anh Nguyễn Tấn Vàng, xin nghỉ việc để xây dựng mô hình mẫu “Kinh doanh với người giữ rừng”. Anh chị đều tốt nghiệp cao học quản lý tài nguyên – môi trường, Trường đại học Nông lâm TP.HCM, biết rõ lợi ích của rừng được quản lý tốt sẽ khai thác dài lâu. 

Nếu không có hướng đi tốt, đúng cách, tài nguyên sớm mai một, người dân sẽ chạy theo lợi nhuận trước mắt phá rừng nuôi tôm, tài nguyên rừng sẽ bị cạn kiệt, những lợi ích từ rừng trước biến đổi khí hậu gió bão, nước biển dâng sẽ không còn tác dụng.

Lúc đầu khởi nghiệp, anh chị phải vay mượn tiền thuê đất, nay đã thuê được 25ha rừng dân sinh ở xã Thạnh Phước, Bình Đại, Bến Tre. 

Khi xây dựng nông trại “Người giữ rừng” anh chị có nhờ xã vận động nông dân làm theo nhằm có diện tích rừng rộng lớn ở miệt biển này, nhưng hầu hết người dân địa phương từ chối nên đành đơn phương thiết kế trang trại mẫu “Người giữ rừng” của mình. 

Với 25ha đất rừng thuê, anh chị thiết kế thành nông trại sinh thái với đập nhử tôm cá và các loài thủy sản vào sống trong môi trường thiên nhiên. 

Nông trại có homestay, cầu phao cho khách tham quan, trải nghiệm với rừng, rừng được trồng thêm 10ha cây đước mới ở bãi bồi và ven bờ để tạo cảnh quan đẹp và là nơi trú ẩn của các loài thủy sản vào sống trong rừng ngập mặn. Rừng ở nông trại được chăm chút từng ngày, cây bật gốc, trồng lại, cây bị sâu bệnh, tìm bắt ngăn chặn lây lan.

Vận động người dân giữ rừng rất khó bởi họ nghèo, chỉ nhìn thấy phá rừng nuôi tôm là lợi nhuận trước mắt. 

Anh chị Vàng – Hiện chưa vội hướng người dân vào du lịch sinh thái mà đi vào giá trị thủy sản, đánh bắt ở rừng ngập mặn, mua cao hơn 15% giá bán ở chợ địa phương nhưng phải là tôm cá lớn đủ chuẩn, không mua cá nhỏ. 

Từ đó, người dân không bắt tôm cá nhỏ mà thả cho chúng lớn và trồng thêm rừng, đắp đập thả cua, tôm và nhử các loài thủy sản vào ở, sinh sản trong môi trường thiên nhiên rộng lớn.

Cùng với nâng giá thu mua thủy sản ở rừng, anh chị xây dựng kênh phân phối “Người giữ rừng” cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho các siêu thị organic và bán online cho người tiêu dùng. 

“Người giữ rừng” đã chế biến thủy sản tươi, đông lạnh ở khu vực riêng, tránh ô nhiễm môi trường nông trại. 

Đến với nông trại “Người giữ rừng”, du khách không chỉ thưởng thức các loại thủy sản từ rừng ngập mặn mà còn được trải nghiệm câu cá, bắt sò, nghêu, gỡ hàu nuôi trong đập… Ban đêm khách có thể trải nghiệm xả lũ, đặt cống bắt tôm cá…

Hiệu quả xây dựng mô hình mẫu nông trại “Người giữ rừng” của chị Trịnh Thị Ngọc Hiện đang lan tỏa đến nhiều hộ dân có rừng ngập mặn ở Bến Tre, người dân đã thấy lợi ích của rừng, từ rừng có nhiều sinh kế tăng thu nhập mà còn khai thác lâu dài. 

Nhiều hộ dân làm theo, trồng thêm cây đước, cây bần, dừa nước… trên đất rừng ngập mặn của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.