Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp – Tuần 45 (SỐ ĐẶC BIỆT)

Trao ‘cần câu’ giúp đổi thay cuộc sống

Hơn nửa năm sau khi nhận được sinh kế từ chương trình hỗ trợ qua kết nối của báo Tuổi Trẻ, các bạn trẻ khuyết tật ấy đang có cuộc sống thế nào?

Chiếc xe ba bánh được chương trình trao giúp Ngô Tứ Hổ đi lại làm việc thuận tiện hơn rất nhiều - Ảnh: VŨ THỦY

Chiếc xe ba bánh được chương trình trao giúp Ngô Tứ Hổ đi lại làm việc thuận tiện hơn rất nhiều

Thắc mắc ấy giục phóng viên của báo đi tìm lại những bạn trẻ đã được chương trình chọn hỗ trợ, mắt thấy tai nghe những đổi thay của mỗi người.

Tăng thu nhập cho gia đình

Nhớ lại quãng thời gian khó khăn của hơn một năm trước, chị Lý Thị Chang ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín (Hà Nội), kể cả hai vợ chồng đều là người khuyết tật vận động nhưng sức khỏe người chồng yếu hơn nên gần như chị là người quán xuyến hết mọi việc trong nhà và chăm sóc hai con nhỏ. Rồi dịch COVID-19 ập đến, số tiền làm công nhân may mặc không đủ trang trải cuộc sống cho cả nhà.

May mắn được chọn là một trong 50 thanh niên khuyết tật ở Hà Nội được hỗ trợ từ chương trình “Sinh kế cho thanh niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn”, chị Chang dùng số tiền 18 triệu đồng được tiếp sức mở một cửa hàng may mặc, mua thêm máy may, máy vắt sổ, bàn ủi để hỗ trợ cho công việc.

Từ ngày có cửa hàng, khách tìm đến nườm nượp. Nhiều người biết câu chuyện của vợ chồng chị đã tìm đến ủng hộ. Chị khoe mỗi ngày làm miệt mài từ sáng đến tối mới kịp trả đơn cho khách. 

“Dự định thì lâu lắm rồi nhưng không biết lấy tiền ở đâu, tôi cũng tính đi vay nhưng vay rồi biết bao giờ mới trả nợ được. Nhận số tiền 18 triệu đồng, tôi mừng lắm vì chưa bao giờ trong người có số tiền lớn vậy. Vậy là đánh liều một phen mở cửa hàng luôn” – chị Chang kể.

Trong khi đó, sau gần một năm nhận chiếc máy may hai kim và chiếc máy chập, gia đình anh Đỗ Hữu Thuật ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng nhận về nhiều đơn hàng hơn, giúp gia đình tăng thu nhập. Trước đây, cả tiệm may của gia đình chỉ có một chiếc máy may một kim đã cũ nên tốc độ chậm. Cả tháng hai vợ chồng cày cật lực chỉ kiếm được 7 triệu đồng từ tiền may gia công, may đồ đơn giản.

Anh Thuật cho biết có máy chập nên đỡ được công vắt sổ, chỉ cần may một lần là được. Cũng nhờ hai chiếc máy mới này mà nhận được thêm nhiều đơn hàng hơn, mỗi tháng thu nhập chừng 10 triệu đồng. Hiện nhà anh còn nhận may thêm đồ đơn giản cho cả người lớn và trẻ em. Mỗi bộ quần áo cộc tay của trẻ em có giá khoảng 80.000 đồng, quần áo người lớn có giá dưới 200.000 đồng/bộ tùy chất liệu vải.

Chiếc xe mới giúp tôi làm rất nhiều công việc

Ngô Tứ Hổ (31 tuổi) là một trong 50 bạn trẻ tại TP.HCM được chương trình hỗ trợ sinh kế giúp đỡ. Anh nhận được chiếc xe máy điện phù hợp thể trạng của một chàng trai mắc căn bệnh xương thủy tinh tiện đi lại, làm việc dễ dàng. Nửa năm qua, chiếc xe ấy đã trở thành bạn đồng hành mới với Hổ.

Gặp Tứ Hổ tại quán nước nhỏ của anh ở quận Tân Phú (TP.HCM) ngay lúc cậu học trò cũ của anh đang học lớp 10 chào Hổ đi về. “Em ấy là học trò của tôi mấy năm học cấp II. Giờ em đang học cấp III đó nhưng thỉnh thoảng đi học vẫn ghé qua đây chơi, gặp lúc quán có khách lại giúp tôi bưng bê, pha chế” – Hổ nói về cậu học trò cũ.

Tốt nghiệp phổ thông cách đây hơn chục năm nhưng vì gia cảnh khó khăn, Tứ Hổ không thể tiếp tục đi học. Anh mở quán vừa bán nước, vừa mở lớp dạy thêm cho các em nhỏ sống quanh đó, nhận luôn đưa đón, kèm cặp các bạn không theo kịp chương trình trên lớp. 

“Tôi chuẩn bị đi đón mấy em tới đây học. Có em mình tới tận nhà kèm, có đứa thì tôi đón đến quán học. Bạn nào có gia cảnh khá hơn thì tôi nhận tiền, đứa nào nhà khó khăn quá mình giúp miễn phí. Toàn mấy bạn học bị mất căn bản nên phải kèm cặp đến khi nào mấy đứa theo kịp chương trình trên lớp mới thôi” – anh Hổ cười.

Với đôi chân bị di chứng của căn bệnh xương thủy tinh, anh không thể đi xe máy bình thường mà chỉ có thể đi xe máy điện ba bánh. Chiếc xe máy mà chương trình tặng Hổ là phương tiện giúp anh thuận tiện chạy tới lui đưa đón học trò, mua nguyên liệu cho quán nước. Trước đó, anh từng mua được một chiếc xe điện ba bánh cũ người ta bán lại mà chạy cũng 6 – 7 năm rồi nên xe “banh” gần hết.

Nói về dự định sắp tới, anh cho biết sẽ cố gắng để theo đến cùng, kèm cặp cho lứa học trò mà anh đang dạy. “Giờ chương trình học đổi mới nhiều lắm, dường như giáo án của mỗi trường cũng khác nên để theo kịp cũng rất khó và mất rất nhiều công sức. Tôi dự định sắp tới sẽ học tiếp thêm, kiếm công việc nào đó ổn định ở một công ty để làm cho yên tâm” – anh Hổ chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.