Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết rằng:
“Vì sao Trái Đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh
Như một niềm tin, như dũng khí
Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh”…
Bác Hồ – Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn vào lịch sử của dân tộc và lịch sử của nhân loại. Dù Người đã đi xa, nhưng những hình ảnh giản dị, những bài học ý nghĩa, tư tưởng lẫn tấm gương đạo đức của Người mãi là bài học quý giá cho đời đời thế hệ của người Việt Nam nói riêng và bạn bè thế giới nói chung. Bác là người mà lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, không những phải tìm hiểu thế giới mà còn phải cải tạo thế giới. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đạo đức của Người. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta không ngừng tổ chức các phong trào nhân rộng các tấm gương làm theo lời Bác nhằm “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong nhân dân ngày càng sâu rộng thêm nữa.
Thực hiện theo lời Bác dạy, với phương châm “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, với tôi Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Thọ – một ngôi trường nhỏ, với bề dày lịch sử và thành tích thuộc phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là một trong những tấm gương tiêu biểu làm theo lời Bác. Cô luôn gương mẫu trong mọi hoạt động thi đua, các phong trào của nhà trường. ngoài ra, trong công việc và trong cuộc sống bình dị hàng ngày, cô còn được đồng nghiệp, học sinh tin yêu và mọi người quý mến.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Thọ – đang đánh hồi trống khai trường năm học 2019 – 2020.
Thiết nghĩ học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác không phải là “tầm chương trích cú” mà cái chính là hành động và hành động. Bác Hồ đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Với tôi, tôi thấy ở Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm hội tụ cả hai đức tính tốt của một người thành công đó là Đức và Tài. Tôi học tập được rất nhiều điều từ Cô từ trong cuộc sống cũng như trong công việc, đặc biệt là tình yêu thương, tâm huyết với nghề với trẻ, tác phong làm việc khoa học, có kế hoạch. Làm việc với Cô, tôi cảm nhận được tình yêu thương lớn mà chị luôn dành cho mọi người, nhất là các cháu học sinh.
Nghề dạy học là một nghề khó khăn, gian khổ, âm thầm như người lái đò nhưng cũng rất vinh quang và hạnh phúc. Người thầy giáo muốn dạy tốt, muốn thành công trong sự nghiệp “Trồng người” phải không ngừng phấn đấu, hoàn thiện mình, dành trọn tâm huyết của mình vì thế hệ trẻ trong tương lai. Có lẽ chính từ mối liên tưởng gieo mầm, ươm giống, làm nên những chồi xanh hy vọng ấy mà chủ tịch Hồ Chí Minh từng khái quát “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Với tôi Cô còn là một nhà quản lý, trọng trách trên vai còn nhiều khó khăn, không chỉ lo học sinh mà còn lo cho đời sống vật chất, tinh thần của từng giáo viên, công nhân viên, đưa nhà trường từng bước đi lên cho phù hợp với sự nghiệp phát triển giáo dục tiểu học trong giai đoạn hiện nay./.
NGUỒN: Cục công nghệ thông tin – Bộ giáo dục và đào tạo