Đoàn Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ tổ chức Họp Hội đồng đánh giá hỗ trợ ý tưởng, mô hình khởi nghiệp xanh của đoàn viên sinh viên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, năm học 2023 – 2024

Ngày 15/5/2024, Đoàn Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ tổ chức Họp Hội đồng đánh giá hỗ trợ ý tưởng, mô hình khởi nghiệp xanh của đoàn viên sinh viên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, năm học 2023 – 2024 tại Phòng Hội thảo 1.

Hội đồng gồm có:

  • ThS. Nguyễn Hoàng Viện – Bí thư Đoàn trường – Chủ tịch Hội đồng.
  • ThS. Phan Nhật Tân – Phó Bí thư thường trực Đoàn trường – Phản biện 1.
  • ThS. Nguyễn Phúc Huy – Chủ tịch Hội Sinh viên – Phản biện 2.
  • ThS. Cao Sang – Bí thư Đoàn khoa – Ủy viên.
  • KS. Đặng Hoàng Sơn – Phó Chánh Văn phòng Đoàn trường – Thư ký.

Hội đồng đã đánh giá, góp ý hoàn thiện 04 ý tưởng, mô hình khởi nghiệp xanh cho đoàn viên sinh viên của Trường, gồm:

  1. Ý tưởng mô hình “Ứng dụng bột vỏ sầu riêng trong sản xuất bánh” do đoàn viên sinh viên Nguyễn Minh Khang thực hiện. Tóm tắt ý tưởng, mô hình: Sầu riêng là loại quả được đánh giá cao Đông Nam Á và trồng nhiều Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia, Srilanca, vùng Nam Ấn Độ và Việt Nam. Ở Việt Nam, sầu riêng chỉ thấy trồng ở các tỉnh phía nam; nhiều nhất các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ như: Long An, Tiền Giang, Sa Đéc, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương.Sản lượng sầu riêng toàn cầu ước đạt 2,4 triệu tấn trong năm 2017 nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và tăng trưởng sản xuất mạnh mẽ ở các nước sản xuất chính là Indonesia và Thái Lan, với khối lượng sản xuất ước tính lần lượt là 840,000 và 860,000 tấn. Thái Lan và Indonesia cộng lại chiếm khoảng 70% sản lượng sầu riêng thế giới trong năm 2017, phần còn lại do Malaysia và Việt Nam sản xuất, ước tính lần lượt là 390,000 và 270,000 tấn. Sầu riêng là loại cây trồng có giá trị đặc biệt cao và là một trong những loại trái cây có năng suất cao nhất ở Đông Nam Á, thị trường sầu riêng đang có sự tăng trưởng sôi động. Sản lượng sầu riêng cao mang lại lợi ích cho các ngành kinh tế và nông nghiệp. Mặt khác, nó còn gây ra sự lãng phí trong thời gian thu hoạch, gây ra nhiều vấn đề cho môi trường. Tỷ lệ thịt quả sầu riêng chỉ là 20,52%, nghĩa là 79,48% quả sầu riêng là các bộ phận chưa được sử dụng như vỏ và hạt. Chất thải từ sầu riêng là khoảng 556.360 tấn mỗi năm. Phụ phẩm sầu riêng, đặc biệt là vỏ sầu riêng, sinh khối lignocellulose có cấu trúc phức tạp bao gồm hemicellulose, cellulose và lignin. Chúng liên kết chặt chẽ khiến vỏ sầu riêng khó bị phân hủy. Chất thải nông nghiệp này thường được xử lý bằng cách đốt hoặc đổ vào bãi chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường… Việc quản lý phụ phẩm thích hợp của vỏ sầu riêng là rất quan trọng. Chiến lược để quản lý vỏ sầu riêng là biến phụ phẩm này thành nhiều sản phẩm có giá trị khác nhau. Có rất nhiều tiềm năng vỏ sầu riêng có thể được chuyển đổi thành nhiều sản phẩm khác nhau như bột làm bánh, bảo quản thực phẩm có liên quan chặt chẽ đến an ninh cung cấp lương thực. Nó cũng có tiềm năng được sử dụng trong quá trình xử lý nước thải nông nghiệp, lâm nghiệp. Hỗ trợ bảo vệ sức khỏe. Chính vì thế ý tưởng khởi nghiệp xanh “Ứng dụng bột vỏ sầu riêng trong sản xuất bánh” được thực hiện  với mục đích tổng hợp các nghiên cứu ứng dụng phụ phẩm từ sầu riêng, làm tăng giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường.

  2. Ý tưởng mô hình “Ứng dụng xơ dừa thành những sản phẩm xanh” do đoàn viên sinh viên Đặng Hoàng Minh thực hiện. Tóm tắt ý tưởng, mô hình: Ý tưởng ứng dụng xơ dừa tạo ra các sản phẩm xanh là dự án được coi là rất tiềm năng. Ngoài việc trái dừa chỉ để uống, làm thức ăn hay làm chất đốt, dự án còn tận dụng triệt để công dụng của chúng để sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều này tạo ra nền kinh tế bền vững cho các tỉnh có ưu thế về dừa như Trà Vinh, Vĩnh Long, đặc biệt là xứ dừa Bến Tre. Dự án còn tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều hộ dân trên địa bàn. Với nguyên liệu chính là xơ dừa, một nguyên liệu không hề khan hiếm, việc tái chế số lượng lớn không gặp quá nhiều vấn đề. Sau những công đoạn sơ chế thành những sợi thô, người kết sẽ làm chúng thành sợi và tấm để liên kết lại thành những sản phẩm như thảm dừa, túi, dép,… Giúp môi trường ngày càng xanh hơn, tăng giá trị thẩm mỹ cho các sản phẩm và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

  3. Ý tưởng mô hình “Ứng dụng hạt chôm chôm vào sản xuất socola” do đoàn viên sinh viên Bùi Nguyễn Thanh Phượng thực hiện. Tóm tắt ý tưởng, mô hình: Tại Việt Nam, chôm chôm được trồng nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có tiềm năng đáng kể như một loại cây trồng nội địa và xuất khẩu. Với đời sống công nghệ hiện đại và nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao về các sản phẩm thực phẩm mới lạ, chôm chôm hiện nay đã được chế biến sáng tạo trong ngành thực phẩm như mứt chôm chôm có hạt và không hạt, nước ép quả chôm chôm thương hiệu Vinut, các mặt hàng từ quả chôm chôm phổ biến như chôm chôm ngâm đóng hộp, chôm chôm sấy… Đa phần các nhà máy sản xuất sản phẩm từ quả chôm chôm đều bỏ lãng phí phần vỏ và hạt của quả, kéo theo việc phải xử lý chất thải nông nghiệp. Nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả, có thể dẫn đến nhiều vấn đề về môi trường nghiêm trọng. Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, những phụ phẩm từ quả chôm chôm (hạt, vỏ) có hàm lượng chất dinh dưỡng cao với tiềm năng sử dụng làm nguyên liệu thô trong ngành công nghiệp thực phẩm. Đặc biệt, hàm lượng acid oleic trong chất béo hạt chôm chôm tương tự như bơ ca cao. Chất béo hạt chôm chôm được trộn với bơ ca cao theo các tỷ lệ khác nhau để ước tính tỷ lệ bơ ca cao có thể được thay thế mà không làm thay đổi đặc tính của bơ ca cao. Họ báo cáo rằng hỗn hợp tỷ lệ 30:70 (chất béo chôm chôm với bơ ca cao) có thể mang lại những đặc tính tương tự như bơ ca cao có trong socola mà chúng ta thường sử dụng. Qua các quá trình làm lạnh, nghiền, đun, đảo trộn, rót khuôn,… ta thu được thành phẩm là socola có sử dụng chất béo từ hạt chôm chôm. Chính vì vậy, đề tài “Ứng dụng hạt chôm chôm vào sản xuất socola” được hình thành để giải quyết tình trạng dư thừa phụ phẩm từ chôm chôm ra môi trường, nâng cao giá trị cho hạt chôm chôm, tạo sản phẩm thay thế một phần bơ ca cao có giá trị sinh học tương đương nhưng có tính kinh tế cao hơn và giải quyết vấn đề khan hiếm bơ ca cao trong quá trình sản xuất socola.

  4. Ý tưởng mô hình “Tái chế bã mía thành hộp đựng thực phẩm” do đoàn viên sinh viên Nguyễn Thị Tố Trinh thực hiện. Tóm tắt ý tưởng, mô hình: Nhận thấy môi trường sống ngày càng bị phá hủy bởi rác thải nhựa từ các hộp đựng thực phẩm, chúng tôi đã tìm ra cách hiệu quả để sử dụng bã mía, tạo ra những sản phẩm cao cấp và thân thiện với môi trường. Điều này cung cấp giải pháp thay thế bền vững, thúc đẩy sự tiêu thụ hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu của hành tinh. Bã mía là một nguồn tài nguyên tái chế tiềm năng và đã trở thành một vật liệu thân thiện với môi trường cho sản xuất hộp. Bã mía tưởng chừng là thứ bỏ đi nhưng với sự sáng tạo không ngừng nghỉ của con người, đã trở thành những sản phẩm hữu ích và có lợi cho môi trường. Với nguồn nguyên liệu dồi dào từ ngành công nghiệp sản xuất đường mía tại Việt Nam, giá thành nhập nguyên liệu giảm đáng kể dẫn đến giá thành sản phẩm khi đến tay các doanh nghiệp, người tiêu dùng thấp, tạo điều kiện cho thị trường hộp từ bã mía phát triển vững mạnh. Bã mía sau khi được thu gom tại các nhà máy sản xuất đường mía sẽ được xử lý, cắt hình và ép nhiệt… cho ra sản phẩm hộp đựng thực phẩm từ bã mía vừa thân thiện với môi trường lại giải quyết vấn đề sức khỏe cho người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, ý tưởng mô hình khởi nghiệp xanh “Tái chế bã mía thành hộp đựng thực phẩm” chính là giải pháp tối ưu trong việc tái chế bã mía và bảo vệ môi trường.

Hội đồng thống nhất đề xuất với Ban Thường vụ Đoàn trường sẽ báo cáo với Đảng ủy, Giám hiệu nhà trường quan tâm hỗ trợ về nguồn lực kinh phí để hiện thực hóa ý tưởng, mô hình khởi nghiệp xanh. Đồng thời, Đoàn trường sẽ phân công cán bộ giảng viên trẻ tiếp tục cố vấn, hướng dẫn, hoàn thiện các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp xanh để giới thiệu tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo CTUT Startup lần II, năm 2024” do Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ tổ chức (đơn vị chủ trì là Phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.